(HNMO) - Sáng 6-1-2022, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 03-CTr/TU) chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thuộc thành phố.
Kết quả tích cực từ chỉnh trang đô thị
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, năm 2021, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU đã tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ để nắm bắt, chỉ đạo công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình; đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện. Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm được giao, đến nay, toàn thành phố đã hoàn thành phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử H1) với tổng diện tích 2.710ha và 1 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, 2 đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị (A6 và S3); 19 đồ án đang trình thẩm định; 2 đồ án đang đẩy nhanh thực hiện.
Các đơn vị liên quan cũng đã tổ chức thẩm định nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục hoàn thiện các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống và 31 quy hoạch phân khu thuộc 5 đô thị vệ tinh.
Bên cạnh đó, thành phố tổ chức nghiên cứu xây dựng kế hoạch chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến; tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh tạo không gian xanh, cảnh quan xanh trên địa bàn thành phố...
Về công tác phát triển đồng bộ, hiện đại hóa và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông khu vực đô thị. Đến nay, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông đạt 10,21%. Toàn thành phố đã tổ chức triển khai 97 dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông; nhận bàn giao và triển khai vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; tăng cường phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng...
Để hoàn thành tốt các kế hoạch, nhiệm vụ đề ra của năm 2022, đại diện các sở, ngành, quận, huyện đề nghị Ban Chỉ đạo thời gian tới cần làm rõ nội hàm “kinh tế đô thị” để hiểu và vận hành thống nhất. Ngoài ra, công tác chỉnh trang đô thị, vận tải hành khách công cộng, thu hút xã hội hóa để xây dựng các chợ… còn nhiều khó khăn cũng rất cần được thành phố quan tâm.
Phân công rõ nhiệm vụ để thực hiện
Tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu theo các đề án, kế hoạch, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần triển khai trên tinh thần chỉ tiêu dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau nhưng phải quyết liệt, đặc biệt là với các dự án đầu tư hạ tầng đô thị. Đồng chí Nguyễn Doãn Toản cũng đề nghị các cấp ủy xác định thực hiện nhiệm vụ chương trình là thường xuyên, quan trọng thiết thực với quận, huyện, thị xã để từ đó, rà soát lại các chỉ tiêu cụ thể, chính sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, triển khai các nhiệm vụ năm 2022, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đẩy mạnh công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, năm 2021, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, Chương trình số 03-CTr/TU bước đầu đã đạt những kết quả quan trọng. Nổi bật là công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đã được triển khai bằng nhiều hình thức. Các chỉ tiêu của chương trình được cụ thể hóa vào kế hoạch của từng sở, ngành, các địa phương và đang trong quá trình triển khai thực hiện; công tác xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án được khẩn trương xây dựng, phân công rõ nhiệm vụ để thực hiện.
Nhấn mạnh tinh thần phải lan tỏa Chương trình số 03-CTr/TU từ thành phố tới cơ sở, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương tùy chức năng, nhiệm vụ phải đẩy mạnh quán triệt, triển khai chương trình một cách thực chất, quyết liệt, định lượng và có sản phẩm cụ thể, đặc biệt là trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phải tham mưu, xây dựng kế hoạch danh mục cụ thể hóa chỉ tiêu của chương trình, định lượng rõ các việc, từ cơ chế chính sách tới các việc cụ thể, có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện của các địa phương, đơn vị. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá lại toàn bộ các chỉ tiêu để xác định những vướng mắc khó khăn, đề xuất Ban Chỉ đạo tháo gỡ, bảo đảm thực hiện đạt tiến độ và chất lượng. Cùng với đó, phải chú trọng biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, phê bình những đơn vị không triển khai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.