Thể thao

Triển khai Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:Cần những giải pháp đột phá

Ngân Hà 10/11/2024 08:12

Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho thể thao thành tích cao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Đây là mục tiêu vừa tầm nhưng không dễ thực hiện nếu ngành Thể thao Việt Nam không có giải pháp mang tính đột phá.

ban-sung.jpg
Bắn súng là một trong những môn thế mạnh của Việt Nam có cơ hội tranh huy chương tại Olympic. Ảnh: Bùi Lượng

Trọng điểm là Asian Games và Olympic

Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký phê duyệt theo Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15-10-2024 với mục tiêu chung là xây dựng nền thể dục, thể thao phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu rất cụ thể cho thể thao Việt Nam ở cả đấu trường SEA Games, Asian Games và Olympic.

Theo đó, từ nay đến năm 2030, thể thao Việt Nam thường xuyên duy trì vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games và trong nhóm 20 đoàn dẫn đầu các kỳ Asian Games (giành từ 5 đến 7 huy chương vàng); có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic. Định hướng đến năm 2045, thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì vị trí trong nhóm hai đoàn dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, trong nhóm 15 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Asian Games (giành tối thiểu 10 Huy chương vàng), trong nhóm 50 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Olympic (giành ít nhất 1 Huy chương vàng). Ngoài ra, bóng đá nam vào nhóm 8 đội hàng đầu châu Á và giành quyền tham dự World Cup, bóng đá nữ trong nhóm 6 đội hàng đầu châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.

Theo chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, nhìn vào mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030 cũng là vừa tầm với nguồn lực hiện tại, có thể đạt được. Thực tế, từ năm 2003 đến nay, thể thao Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu tại SEA Games, trong đó có 3 lần xếp Nhất toàn đoàn (năm 2003, 2022, 2023). Với mục tiêu giành từ 5 đến 7 Huy chương vàng ở các kỳ Asian Games (năm 2026 và 2030) cũng được xem là phù hợp với thực lực của thể thao Việt Nam.

Nhìn lại thành tích hai kỳ Asian Games gần nhất, các vận động viên Việt Nam giành 7 Huy chương vàng: Năm 2018 giành 4 Huy chương vàng, năm 2023 giành 3 Huy chương vàng. Còn ở đấu trường Olympic, thành tích của thể thao Việt Nam không thực sự ổn định. Tại Olympic 2016, Việt Nam từng giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc môn bắn súng, xếp hạng 48 toàn đoàn. Nhưng trong hai kỳ Olympic gần đây (Olympic Tokyo 2020, Olympic Paris 2024), đoàn thể thao Việt Nam đều “trắng tay”, không giành được huy chương nào. Vì thế, mục tiêu của thể thao Việt Nam ở Olympic cho đến năm 2030 ở mức tối thiểu cố gắng có huy chương cũng là phù hợp.

Nhưng hướng tới mục tiêu cho tầm nhìn 2045 thì ngành Thể thao Việt Nam phải cần phải có kế hoạch mang tính đột phá và dài hơi, đầu tư trọng điểm rõ ràng, chuyển từ đầu tư từ sân chơi khu vực (SEA Games) sang những sân chơi tầm châu lục và thế giới, trọng điểm là Asian Games và Olympic. Có như vậy, ở sân chơi danh giá nhất là Olympic, thể thao Việt Nam mới có thể giành được Huy chương vàng như mục tiêu đề ra.

Quan trọng là cách triển khai

Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh nhận định, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và Asian Games cũng không quá phức tạp. “Quan trọng vẫn là cách triển khai. Bởi khi tuyển chọn được con người tài năng rồi, chúng ta sẽ đào tạo, huấn luyện như thế nào để họ thành danh. Và liệu, thể thao Việt Nam có đủ nguồn lực cử vận động viên từ năng khiếu ban đầu đi tập huấn nước ngoài dài hơi như nhiều quốc gia tại Đông Nam Á đang thực hiện hay không?”, ông Nguyễn Hồng Minh nói.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đới Đăng Hỷ chia sẻ rằng, với nguồn lực của mình, thể thao Hà Nội có thể đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu thể thao thành tích cao đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Quan trọng nhất lúc này vẫn là chọn được con người để đầu tư và có một cơ chế đầu tư đặc biệt từ trung ương đến địa phương.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Đặng Hà Việt cho hay, thể thao Việt Nam kỳ vọng vào các môn có cơ hội tranh Huy chương vàng Olympic, gồm: Bắn súng, bắn cung và cử tạ. Tại Olympic Paris 2024 vừa qua, duy nhất bắn súng là môn có đại diện lọt vào vòng tranh huy chương.

“Hiện ngành Thể dục thể thao có rất nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết như: Phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao; hiện đại hóa các phương tiện tập luyện và chăm sóc vận động viên ở các trung tâm thể thao cấp cao nước nhà; vấn đề y học thể thao, chăm sóc, chữa trị chấn thương cho vận động viên, chống sử dụng chất kích thích trong thể thao… Đây đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết mà ngành Thể dục thể thao đã và đang từng bước tháo gỡ, tìm phương án phù hợp để điều chỉnh, thích ứng theo từng giai đoạn cụ thể", ông Đặng Hà Việt bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào ngày 12-11 tới. Hội nghị đang được kỳ vọng sẽ xác định rõ hơn bước đi cụ thể để thực hiện chiến lược.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Cần những giải pháp đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.