(HNM) - Năm 2018, Quốc hội đã làm tốt vai trò giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, giám sát việc giải quyết các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư.
Đổi mới, thiết thực, hiệu quả
Thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, các nghị quyết đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc; nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước được thể hiện qua việc các kỳ họp Quốc hội có thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp khá nhiều. Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV có tới 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp (chiếm gần 40% tổng thời gian kỳ họp). Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV cũng có 15 phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp).
Đặc biệt, năm 2018 cũng là năm đầu tiên Quốc hội thực hiện đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo phương thức: “Hỏi nhanh, đáp gọn”. Đại biểu nêu nội dung chất vấn trong 1 phút, người trả lời chất vấn trong 3 phút. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, sự đổi mới này giúp phiên chất vấn sôi động hơn vì số lượng đại biểu được hỏi nhiều hơn, nội dung hỏi chắt lọc hơn. Thành viên Chính phủ trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo. Thay đổi này cũng tránh tình trạng trùng lắp nội dung chất vấn, tăng thời gian tranh luận các vấn đề được nêu.
Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, ngoài các nội dung quan trọng, như: Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác; phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn… thì hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhân dân. Trong 3 ngày diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn (từ ngày 30-10 đến ngày 1-11) đã có tới 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 82 lượt đại biểu tranh luận. Đáng chú ý, tại kỳ họp này cũng là lần đầu tiên Quốc hội không chất vấn số lượng thành viên Chính phủ cụ thể. Các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ thành viên Chính phủ nào về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội kể từ kỳ họp thứ hai
đến nay. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Qua đó, đã giải đáp nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri quan tâm.
Theo Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, phiên chất vấn của kỳ họp thứ sáu không phụ lòng mong mỏi của cử tri. Những vấn đề “nóng” của xã hội như, câu chuyện "đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng" xảy ra tại TP Cần Thơ hay hiện tượng trục lợi chính sách cho người có công, sử dụng lãng phí sách giáo khoa... đã được nêu và tranh luận thẳng thắn. Cử tri đã thấy được "hình bóng" của mình qua từng câu hỏi chất vấn, nối dài sợi dây liên kết bền chặt giữa nghị trường và cuộc sống.
Lá phiếu của niềm tin
Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 vị trí chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần thứ ba Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Trong danh sách 48 người lấy phiếu tín nhiệm lần này có 14 người từng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm vào lần đầu tiên (năm 2013), 15 người vào lần thứ hai (năm 2014). Với tổng số phiếu phát ra và thu về là 475, kết quả có 34 chức danh có tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao từ hơn 52% trở lên, chiếm gần 71% các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Không chức danh nào có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp và phải ở vào trường hợp "có thể xin từ chức" theo quy định.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các vị đại biểu đã đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn và thể hiện rõ mức độ tín nhiệm của mình đối với từng chức danh. Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm”.
Còn đối với chính những người được lấy phiếu tín nhiệm, kết quả đánh giá được coi là động lực để cố gắng hơn, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn, đáp ứng trọng trách, cương vị được giao. Điều đó đúng với tinh thần Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là giúp người được lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đây cũng là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phát biểu bế mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV: “Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Những buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV vừa qua, trên khắp đất nước bao trùm không khí phấn khởi, tin tưởng của cử tri. Bởi cử tri đã thấy ở kỳ họp này có nhiều đổi mới thành công, một kỳ họp thể hiện rõ không khí dân chủ, đúng định hướng, tiếp thu đầy đủ các ý kiến trí tuệ của cử tri và phát huy tốt vai trò của đại biểu Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.