(HNMO) - Sáng 26-6 tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 1 dự án “Thí điểm tuyển chọn 600 trí thứ trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch xã thuộc 63 huyện nghèo”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị sơ kết Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Ảnh: VGP |
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết: Đến nay, dự án “Thí điểm tuyển chọn 600 trí thứ trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch xã thuộc 63 huyện nghèo” đã hoàn thành giai đoạn I với 580 đội viên đang được bố trí làm phó chủ tịch UBND xã tại 63 huyện nghèo trong cả nước (20 xã đã bố trí đủ 2 phó chủ tịch nên chỉ còn 580 xã được bổ sung thêm 1 phó chủ tịch). Sau hơn một năm về công tác, các đội viên dự án đã nhanh chóng tiếp cận được với công việc, từng bước khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Theo đánh giá, có 68 đội viên dự án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 352 đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và 160 đội viên hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều đội viên đã có cách nghĩ, cách làm sáng tạo, đưa những tiến bộ khoa học vào sản xuất, mang lại hiệu qủa kinh tế xã hội được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Điển hình như các đề án: Trồng gừng trong bao; trồng khoai tây; trồng chè Shan; trồng nấm bào ngư; ứng dụng quy trình xử lý nước thải; mô hình mía nguyên liệu, rau an toàn, bò sinh sản; mô hình chuyển giao công nghệ nuôi gà theo lứa… Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại, hạn chế như: đa số đội viên chưa có kinh nghiệm trong công tác, lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quản lý nhà nước; công tác đào tạo định kỳ còn chậm; điều kiện có sở vật chất và các trang thiết bị làm việc của một số xã còn khó khăn; còn tới 60,52% các xã chưa bố trí nhà công vụ cho đội viên dự án nên cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các đội viên.
Tại hội nghị, đại diện các đội viên thuộc dự án đã báo cáo về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ trên cương vị và Phó Chủ tịch UBND xã. Các ý kiến đều cho rằng đây là cơ hội để các bạn rèn luyện, trưởng thành, góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn như: sự bất đồng ngôn ngữ; chưa hiểu hết về phong tục, tập quán; thiếu kinh nghiệm quản lý… Để có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, các PCT xã mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện tổ chức định kỳ các lớp tập huấn cũng như quan tâm hơn về chế độ, chính sách để yên tâm công tác.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Đưa tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 63 huyện nghèo là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH ở các xã thuộc huyện nghèo. Đây là khâu đột phá trong công tác cán bộ nhằm tạo môi trường rèn luyện, thử thách, đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của của Bộ Nội vụ, các địa phương có liên quan trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện cũng như sự cố gắng của 580 phó chủ tịch xã đã nhanh chóng thích nghi, tự tin mạnh dạn thực hiện nhiệm vụ, đề xuất nhiều cách làm hay hiệu quả được nhân dân đồng tình góp phần phát triển kinh tế địa phương. Trước những khó khăn còn tồn tại, Thủ tướng động viên các tri thức trẻ phát huy tinh thần thanh niên xung kích, gương mẫu, đi đầu trong công việc, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, quán triệt cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của dự án, tạo điều kiện cho các đội viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc tạo điều kiện tốt cho các đồng chí mới về hoàn thành nhiệm vụ không chỉ là bố trí nơi ăn chốn ở mà phải là giao việc phù hợp, hướng dẫn tận tình thậm chí là cầm tay chỉ việc, tạo điều kiện cho các ý tưởng mới được thực hiện, nhân rộng. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển đảng cho đội ngũ cán bộ trẻ này. Thời gian tới, Bộ Nội vụ cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phường tiếp tục rà soát, hỗ trợ chính sách đối với các đội viên dự án. Các địa phương quan tâm nhân rộng mô hình này để ngày càng có nhiều tri thức trẻ tình nguyện về các công tác tại các vùng khó khăn, góp phần xây dựng và phát triển KT-XH của địa phương và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.