Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trị ''bệnh'' thiếu bản lĩnh, trình độ

Phúc Lợi| 02/08/2021 06:34

(HNM) - 1. Bản lĩnh là sự kiên định, khả năng độc lập suy nghĩ, quyết định và hành động, là đòi hỏi cơ bản và trực tiếp đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, với cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng, giúp mỗi người kiên định lập trường, tư tưởng và bằng ý chí, năng lực vượt qua khó khăn, áp lực để quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mình, của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, trình độ của cán bộ, đảng viên là cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã từng cảnh báo hiện tượng do thiếu bản lĩnh, trình độ của cán bộ, đảng viên dẫn đến những quyết định, tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, đất đai, tài nguyên.

Có thể kể đến một loạt nguyên cán bộ lãnh đạo cấp cao của thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh thuộc dạng này đã bị xử lý như: Văn Hữu Chiến, Trần Văn Minh, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Trần Vĩnh Tuyến… Mới nhất là ngày 27-7-2021, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt giam ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương để mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH một thành viên (Tổng công ty 3-2) do việc chuyển nhượng 43ha “đất vàng” tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tại Hà Nội, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố cũng đã đề cập việc “một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cá biệt có đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm, kỷ luật và bị xử lý hình sự” liên quan đến quản lý tài chính, tài nguyên, đất đai. Ví dụ như, một số lãnh đạo huyện Ba Vì đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương (khóa XII) kỷ luật cảnh cáo, khiển trách do để xảy ra nhiều vi phạm, trong đó có vấn đề về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện. Mới đây nhất, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã khai trừ Đảng đối với 4 cán bộ có vi phạm liên quan đến việc thực hiện gói thầu số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 và 2017 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Những thông tin trên cho thấy thực trạng không ít cán bộ, đảng viên, trong đó có cả lãnh đạo cấp cao phần vì trình độ yếu, phần vì kém bản lĩnh nên đã vi phạm các nguyên tắc Đảng, vi phạm pháp luật. Hiện tượng này cần tiếp tục được nhận diện và chủ động khắc phục.

2. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới, việc nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ cho cán bộ, đảng viên là vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp thiết, có ý nghĩa sống còn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Trước hết, Đảng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt từ trình độ học vấn, lý luận chính trị đến chuyên môn mà mình phụ trách, hoạt động. Mỗi người, nhất là ở cương vị lãnh đạo, quản lý cần không ngừng rèn luyện nâng cao tầm tư duy, am hiểu sâu rộng các lĩnh vực. Cương vị càng cao càng đòi hỏi cao hơn về bản lĩnh, trình độ mới có thể lãnh đạo tốt và giải quyết có chất lượng, hiệu quả các vấn đề phức tạp, đa dạng đặt ra trong thực tiễn.

Cấp ủy Đảng các cấp cũng cần chú ý đánh giá bản lĩnh, trình độ của cán bộ, đảng viên thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ. Trong đó, tiếp tục gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Trong đó, chú trọng xây dựng các tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên phù hợp bối cảnh, điều kiện công việc. Khi xem xét, đánh giá, phải dựa vào tiêu chí, nội dung đăng ký thực hiện và kết quả công tác của mỗi người; thống nhất giữa đánh giá bản lĩnh chính trị với kết quả thực thi nhiệm vụ, gắn đánh giá đạo đức công vụ với đánh giá kết quả thực thi công vụ, bảo đảm thực chất trong đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm, khắc phục triệt để việc đánh giá cán bộ, đảng viên một cách chung chung. Thông qua đó tạo động lực để cán bộ, đảng viên phấn đấu vươn lên, rèn luyện bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiên định, kiên trì và năng động, sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là trong lĩnh vực khó, nhạy cảm, như: Quản lý tài chính, tài nguyên, đất đai...

Đặc biệt, để cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình, bịt kín những "kẽ hở" của pháp luật để tránh những “cái bắt tay dưới gầm bàn”, thao túng, lợi ích nhóm nhằm chiếm đoạt tài nguyên, đất đai, tài chính của Nhà nước, rất cần phải thường xuyên, liên tục xây dựng, sửa đổi và đồng bộ hệ thống pháp luật; đồng thời, lấy việc tuân thủ nghiêm quy định pháp luật làm thước đo bản lĩnh, trình độ của cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động để cán bộ, đảng viên rèn luyện, phấn đấu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng công tác của từng cơ quan, đơn vị.

Đa dạng các giải pháp trị “bệnh” thiếu bản lĩnh, trình độ sẽ góp phần ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đi vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trị ''bệnh'' thiếu bản lĩnh, trình độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.