Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trị ''bệnh'' mất đoàn kết

Linh Vũ| 19/04/2021 06:23

(HNM) - Đoàn kết là sự hợp tác, chung tay, góp sức để kết thành một khối thống nhất, cả về tư tưởng lẫn hành động nhằm đem lại lợi ích, đưa tập thể ngày càng phát triển. Giá trị của đoàn kết đã được minh chứng từ thực tiễn lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Thực tế, nơi nào mất đoàn kết thì nội bộ lục đục, trên dưới không thống nhất. Lãnh đạo nghi ngờ nhân viên, nhân viên mất lòng tin vào lãnh đạo. Bên trong thì tinh thần rệu rã, bên ngoài thì uy tín giảm sút. Cán bộ thay vì chuyên chú vào làm việc để gia tăng năng suất, nâng cao hiệu quả lao động lại tập trung bàn mưu, tính kế, chia bè, kết phái, đơn thư vượt cấp, nói xấu người này, tìm cách hạ bệ người kia; chất lượng công việc ngày càng đi xuống, thậm chí mất luôn cả danh tiếng, thương hiệu, uy tín của cả tập thể, truyền thống tốt đẹp bao thế hệ dày công vun đắp. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30-10-2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã cảnh báo: “Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty”.

Mất đoàn kết gây ra hệ lụy nguy hiểm, khôn lường! Ví như vừa qua, do mất đoàn kết dẫn đến suy yếu, không ít nơi trong đó có một số cấp ủy trực thuộc Trung ương đã để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng của tập thể, cá nhân đến mức bị kỷ luật. Việc một số ban thường vụ cấp tỉnh bị cảnh cáo, cùng hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong nhiệm kỳ khóa XII vừa qua càng cho thấy điều đó.

Tại Hà Nội, trên cơ sở rà soát, đánh giá từ năm 2017, Ban Thường vụ Thành ủy đã đưa vào danh sách 226 tổ chức cơ sở Đảng phải củng cố mà một trong những nguyên nhân chính là có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Trước đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, kết quả rà soát tiếp tục chỉ ra thêm 9 đảng bộ cấp huyện và hàng chục tổ chức cơ sở Đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để bảo đảm tổ chức thành công đại hội. Nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục mà 2.310 tổ chức cơ sở Đảng và 50 đảng bộ cấp quận, huyện, thị xã và tương đương trực thuộc Thành ủy đã tổ chức thành công đại hội, góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Rõ ràng, mất đoàn kết nội bộ có thể được khắc phục nếu sớm chỉ rõ nguyên nhân, có giải pháp căn cơ, thấu đáo.

Tại Điều 8 của Quy định số 102-QĐ/TƯ ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm” đã nêu rất rõ các hình thức kỷ luật từ khiển trách tới khai trừ khỏi Đảng đối với cán bộ, đảng viên có hành vi gây mất đoàn kết nội bộ. Theo đó, đảng viên có hành vi bị kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép tham gia các hoạt động gây mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ nhưng gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Trường hợp tái phạm hoặc vi phạm lần đầu mà gây hậu quả nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).

Cùng hành vi trên nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc lợi dụng quyền dân chủ để bè phái, lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ gây mất đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi mình sinh hoạt thì sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ. Đây vừa là căn cứ để siết chặt kỷ cương, kỷ luật, vừa là cơ sở giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình, tránh sa vào những hành vi gây mất đoàn kết nội bộ. Đối với mỗi cơ quan, đơn vị, nguyên nhân mất đoàn kết nội bộ đều xuất phát từ việc vi phạm Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam: Kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, không “thống nhất trong ý chí và hành động”; một số cán bộ, đảng viên không còn là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động”, động lòng tham nên vun vén cá nhân, tạo phe cánh, kèn cựa, đố kỵ lẫn nhau.

Để trị "bệnh" mất đoàn kết, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc xây dựng tổ chức Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ quan, đơn vị phải xây dựng, ban hành đầy đủ các quy định, quy chế nội bộ, quy trình công tác chặt chẽ, rõ ràng, được công khai, minh bạch. Trong sinh hoạt Đảng, gắn với thực hành dân chủ, phải thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Tự phê bình phải chân thành, trung thực. Phê bình phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Người phê bình không được lợi dụng để nói xấu; nhưng cũng không nên nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, “dễ người dễ ta”... Người được phê bình phải thật lòng cầu thị, tiếp thu ý kiến, thực tâm chỉnh sửa.

Cùng với đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần đề cao kỷ cương, kỷ luật; chú trọng giám sát, kiểm tra thường xuyên và đột xuất; ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân; kỷ luật nghiêm minh, khen thưởng đúng người, đúng việc, công bằng, thuyết phục. Cấp trên gương mẫu, cấp dưới noi theo; cùng thấm nhuần, thực hành đạo đức cách mạng, "dĩ công vi thượng", thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Đây là trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo, của mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương tới cơ sở, là liều "vắc xin" hữu hiệu giúp phòng, chống "bệnh" mất đoàn kết trong tổ chức Đảng cũng như trong đơn vị, biến đoàn kết thành “lực lượng vô địch” như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đúc kết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trị ''bệnh'' mất đoàn kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.