(HNMO) - Ngày 10-9, Học viện Quân y đã trang trọng tổ chức Lễ tri ân tôn vinh những người đã hiến thi thể và thân nhân gia đình có người hiến thi thể cho y học, đồng thời tôn vinh những người đã đăng ký hiến thi thể cho y học tại Bộ môn Giải phẫu của Học viện Quân y.
Ở Việt Nam, việc các cá nhân tình nguyện hiến thi thể để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Khu vực phía Nam, từ năm 1993, bộ môn Giải phẫu của Đại học Y Dược TPHCM đã nhận được một đơn tự nguyện hiến thi thể đầu tiên. Năm 1996, đã tiếp nhận thi hài đầu tiên và đến nay con số đã lên tới hơn 11 nghìn người đăng ký hiến thi thể bao gồm đủ mọi thành phần với 300 thi hài nhận được. Đến năm 2014, Đại học Y khoa PNT đã nhận 4.852 bộ hồ sơ, riêng năm 2014 là 810 bộ hồ sơ đăng ký và 22 người hiến thi thể. Trường Đại học Y Hà Nội trong 10 năm gần đây, đã nhận được 270 đơn, thư bày tỏ nguyện vọng và đã tiếp nhận 10 thi thể trong số đó.
Học viện Quân y từ khi thành lập tới nay đã tiếp nhận hàng trăm thi thể hiến. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, chủ yếu là các thi thể vô thừa nhận và các thi thể rời trong chiến tranh. Những năm 90 trở lại đây, công tác tiếp nhận và bảo quản thi thể hiến ngày càng gia tăng.
Thiếu tướng, GS.TS. Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện Quân y bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc nhất đối với thân nhân những người đã hiến thi thể, người đã đăng ký hiến thi thể tại Học viện Quân y. Khi nói về sự hy sinh cao cả, chúng ta thường nhớ đến những tấm gương hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, hay như sự hy sinh của cha mẹ đã nuôi dạy chúng ta khôn lớn, trưởng thành... Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có sự hy sinh hết sức cao cả, vượt qua cái rào cản về văn hóa tâm linh phương Đông, là những người đã hiến thi thể cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu y học.
Để trở thành bác sỹ, sinh viên y khoa cần nắm vững những kiến thức về giải phẫu, phải hiểu thấu đáo về cấu tạo, vị trí, chức năng của từng cơ quan, bộ phận cơ thể. Vậy làm thế nào để chúng ta biết chính xác được? Có thể khẳng định rằng, một phần rất lớn và không thể thiếu đó là nhờ học tập trên các xác ướp của những người đã quá cố.
Cho đến nay, các mô hình nghiên cứu giải phẫu đã có sự phát triển hiện đại hơn trước, song dù là chi tiết nhất vẫn chưa thể (không thể) hoàn toàn thay thế cho việc học trực tiếp trên thi thể người. Điều này có nghĩa việc nhận được các thi thể hiến cho mục đích này luôn là nhu cầu thường trực của các trường y nói chung.
Trong gần 70 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Học viện Quân y đã nhận được hàng trăm thi thể phục vụ cho đào tạo và NCKH, hàng trăm người dâng hiến thi thể hoặc đang ký dâng hiến thi thể sau khi chết cho mục đích cao cả đó... Sự hy sinh âm thầm này đã góp phần giúp Học viện đào tạo được hàng ngàn thầy thuốc, nhân viên y tế cho Ngành y tế Việt Nam nói chung và ngành y tế của Quân đội nói riêng. Đó còn là hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học hình thái ra đời, được ứng dụng, góp phần cứu chữa và mang lại cuộc sống cho vô vàn người bệnh. Như vậy, sự hy sinh cao cả của một con người đã ra đi sẽ để lại đằng sau biết bao cuộc sống của những người khác.
GS.TS Hoàng Văn Lương khẳng định: “Chúng tôi, các thầy thuốc, nhân viên y tế và các học viên, sinh viên quân y, đặc biệt những nhà giải phẫu học, là những người nhận thức rõ ràng nhất sự cống hiến vô giá của những thi hài người hiến cho sự trưởng thành về nghề nghiệp của mình”.
- Trên thế giới, hiến mô tạng, thi thể cho y học đã diễn ra từ rất lâu. Với ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và khoa học, việc hiến mô tạng, thi thể ngày càng được luật pháp nhiều quốc gia thừa nhận và phát triển. - Căn cứ vào biểu đồ UNOS (Mỹ) cung cấp về tình hình hoạt động lấy tạng ở Mỹ, số lượt người sống hiến tạng ghép tăng nhanh tới 6.499 ca vào năm 2001, số lượt người chết hiến tạng cũng tăng nhanh. Ở Pháp, tỷ lệ hiến tạng ở người chết não đã tăng từ 15 đến 20 trường hợp/1 triệu dân. Theo Tạp chí Lancet, từ năm 1989 tức là từ khi Tổ chức cấy ghép quốc gia Tây Ban Nha (ONT) chính thức đi vào hoạt động đến nay, tỷ lệ người hiến là 33,7 người /1 triệu dân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.