(HNNN) - Cả nước đang căng mình, dành mọi nguồn lực để vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Dẫu vậy, cũng như mọi năm, trong những ngày tháng 7 này, quân dân cả nước lại dành tình cảm thiêng liêng, huy động nhiều hơn nguồn lực để tri ân, động viên gia đình những người có công. Đó không chỉ thể hiện truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” mà còn là dịp để ôn lại lịch sử hào hùng, nhắc nhở nhau nâng cao trách nhiệm giữ vững, phát huy những thành tựu cách mạng đáng tự hào phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, xương máu của dân tộc.
1. Ngày 16-2-1947, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 20/SL về “Ưu đãi người có công”, sau đó được bổ sung, sửa đổi bằng Sắc lệnh 242/SL ngày 12-10-1948 quy định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng tử sĩ, thực hiện chế độ “lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình tử sĩ... Đây chính là những văn bản pháp luật đầu tiên đặt nền móng xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng của Đảng và Nhà nước. Đến ngày 17-7-1947, trong thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý chọn ngày 27-7 hằng năm là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” - ngày để quân dân cả nước bày tỏ sự biết ơn đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, đồng thời đánh dấu sự ra đời của các hoạt động tình nghĩa “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đối với người có công với cách mạng trong tháng 7 hằng năm.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công vẫn luôn được Nhà nước quan tâm, thể hiện qua việc ban hành 184 văn bản pháp luật. Những điểm quan trọng về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã được quy định bổ sung như tiếp tục xác nhận và giải quyết quyền lợi cho những quân nhân, dân quân, du kích, thanh niên xung phong bị thương tật, bị chết trong chiến tranh; quy định việc cất bốc quy tập mộ liệt sĩ, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ... Chế độ đối với thanh niên xung phong; dân công thời chiến... cũng đã được luật hóa.
Giai đoạn 1975-1985, chính sách ưu đãi người có công tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình của đất nước sau khi Tổ quốc thống nhất, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như giải quyết các tồn đọng sau chiến tranh, thống nhất các chế độ ưu đãi trong cả nước... Trong giai đoạn này, cả nước đã dấy lên phong trào đi tìm “địa chỉ đỏ”, tìm đồng đội thân yêu và hơn 60 vạn hài cốt liệt sĩ được đưa vào gần 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, gần 1.000 bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng...
Bước vào giai đoạn Đổi mới, sự phát triển kinh tế - xã hội là tiền đề để Đảng, Nhà nước càng ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng của Đảng đã đem lại kết quả thiết thực. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với 5 chương trình tình nghĩa: Xây dựng nhà tình nghĩa; lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; đón thương binh nặng về chăm sóc tại gia đình và nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã phát triển rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới của Đảng đã khẳng định: “Chính sách ưu đãi người có công đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Cả nước hiện có khoảng 8,8 triệu người có công, có khoảng 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên. Bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú”.
2. Liên tiếp trong 2 năm (2020-2021), cùng với cả thế giới, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 đem lại. Kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, công tác chăm lo, phụng dưỡng người có công, gia đình người có công vẫn được thực hiện rất tốt trên toàn quốc. Chỉ riêng trong đợt kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), Chủ tịch nước đã quyết định dành hơn 330 tỷ đồng để tặng quà người có công, gia đình người có công.
Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, dù rất khó khăn vì phải dồn toàn lực chống dịch, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn quyết định tăng 50% mức quà tặng (so với năm 2020) cho người có công, gia đình người có công nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Cụ thể, theo Quyết định số 1142/QĐ-CTN ngày 30-6 của Chủ tịch nước, 2 mức quà tặng năm nay là 600 nghìn đồng và 300 nghìn đồng (năm 2020 là 400 nghìn đồng và 200 nghìn đồng). Tổng kinh phí tặng quà dịp 27-7 năm nay tăng lên mức hơn 480 tỷ đồng.
Với Hà Nội, ngay từ tháng 3-2021, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Theo đó, dịp 27-7 năm nay, thành phố sẽ tặng hơn 123 nghìn suất quà với tổng giá trị hơn 99 tỷ đồng cho người có công, gia đình người có công. Ngoài ra, toàn thành phố phấn đấu vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt hơn 22 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp ít nhất 47 công trình ghi công liệt sĩ.
Thành phố cũng sẽ hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở cho ít nhất 227 hộ gia đình người có công; tặng gần 3.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho người có công và thân nhân. Đặc biệt, các bà mẹ liệt sĩ mới được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” sẽ được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng thường xuyên với mức tối thiểu 1 triệu đồng/trường hợp/tháng...
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong giai đoạn 2013-2020, thành phố đã giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị và trích lục thông tin về 3.835 liệt sĩ cho thân nhân gia đình liệt sĩ tiến hành công tác tìm kiếm, quy tập; chỉ đạo hướng dẫn tổ chức lễ an táng cho 749 liệt sĩ về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn Hà Nội bảo đảm trang trọng, tận tình, chu đáo. Thành phố cũng đã cung cấp 1.179 thông tin về liệt sĩ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hồ sơ, và hơn 4.500 thông tin liệt sĩ cho các đơn vị quân đội phục vụ nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...
3. Đó rõ ràng là những nỗ lực rất đáng hoan nghênh trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Dịp 27-7 hằng năm, mỗi người đau đáu ghi ơn, tưởng nhớ những người có công giúp chúng ta có cuộc sống bình yên hôm nay.
Thế nhưng, bên cạnh sự tri ân, mỗi người phải tự nhắc nhở nhau sống có trách nhiệm hơn với bản thân và xã hội, để cùng cả nước vượt qua những khó khăn phía trước. Bởi lẽ, những thách thức, cả truyền thống, phi truyền thống vẫn đang là trở ngại thường trực. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng máu các chiến sĩ vẫn đổ nơi tuyến đầu bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân mà gần nhất, xót xa nhất là sự hy sinh của 13 liệt sĩ trên đường đi cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế).
Trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, không ai khác, chính các chiến sĩ lực lượng vũ trang đang hằng ngày cùng các y, bác sĩ đối mặt với nguy hiểm, dành nơi ăn ở tốt nhất cho người dân trong diện cách ly. Vậy mà vẫn có người trốn cách ly, không khai báo, nhập cảnh trái phép..., gieo rắc nguy hiểm cho cộng đồng. Hành động đó thể hiện sự vô ơn, thiếu trách nhiệm với những người đã, đang hy sinh bản thân vì sự an toàn của xã hội. Bên cạnh tri ân tiền nhân, những người đã mất, chúng ta hãy thể hiện sự tri ân với những người sống, đang cống hiến nơi tuyến đầu, biên giới, hải đảo.
Và hành động tri ân thiết thực nhất, không gì khác là sống và làm việc theo đúng Hiến pháp, pháp luật, có trách nhiệm với xã hội để hạn chế tối đa những hậu quả, mất mát không đáng có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.