Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trên 1,1 triệu người kê khai tài sản, chỉ có 3 trường hợp vi phạm

Theo Tin Tức| 19/09/2017 15:13

Thời gian qua, theo phản ánh của báo chí, cử tri thì còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Tuy nhiên, con số bị phát hiện vi phạm trong kê khai tài sản là rất nhỏ, chỉ có 3 trường hợp vi phạm.


Sáng nay 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Trong đó, về công tác phòng, chống tham nhũng, báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ cho thấy Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với nhiều đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN


Cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh rà soát, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không hợp lý, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với người dân, doanh nghiệp; các chế độ, định mức, tiêu chuẩn đang dần được sửa đổi chặt chẽ và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Việc trả lương qua tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được sử dụng rộng rãi... đã góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Trong đó, về kê khai tài sản, thu nhập, theo Báo cáo của Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là 1.113.422 người (đạt tỷ lệ 99,8%); số bản kê khai đã công khai là 1.111.818 bản (đạt tỷ lệ 99,8%).

Tuy nhiên, trong số 1.113.422 người đã kê khai, năm 2017 chỉ xác minh đối với 77 người (chiếm 0,007%). Kết quả xác minh phát hiện 3 trường hợp vi phạm, giảm nhiều so với các năm trước (năm 2016 xác minh đối với 414 người, năm 2015 xác minh đối với 1.225 người).

Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri, cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận (như việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái).

Nguyên nhân của tình trạng này được Ủy ban Tư pháp chỉ ra là do chưa có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội, thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến.

Đáng lưu ý là quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về căn cứ xác minh tài sản chưa đầy đủ, một số căn cứ không mang tính bắt buộc và có thể dẫn đến tùy nghi trong áp dụng. Tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 quy định: “Khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản”.

Bên cạnh đó, hiện có nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền quản lý, xác minh bản kê khai; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và xử lý tài sản không chứng minh, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn.

Bên cạnh đó, cần có quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Về tặng quà và nộp lại quà tặng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện quy định về nghiêm cấm tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm.

Qua một số vụ án xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty Cổ phần VN Pharma. Trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, các bị cáo khai nhận đã chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Trong vụ đại án xảy ra tại Oceanbank, ông Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận và nộp lại 20 tỷ đồng đã nhận của Nguyễn Xuân Sơn. Cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Nguyễn Trường Duy, cán bộ Hải quan TP Hồ Chí Minh 64 phong bì với tổng cộng gần 1 tỉ đồng, là số tiền hối lộ của các doanh nghiệp.

Theo Ủy ban Tư pháp, đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng, chống tham nhũng cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này.

Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Vẫn còn có nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu do có sai phạm và xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trên 1,1 triệu người kê khai tài sản, chỉ có 3 trường hợp vi phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.