(HNM) - Dù Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về cải thiện tình trạng dinh dưỡng nhưng tầm vóc của người Việt vẫn thấp hơn so với mức trung bình của nhiều nước trong khu vực. Trên thực tế, dinh dưỡng quyết định chiều cao (chiếm tỷ lệ 32%), hơn cả yếu tố di truyền, thể lực, môi trường, nhưng nhiều gia đình người Việt chưa chú ý đến vấn đề này để nâng cao tầm vóc của trẻ.
Khẩu phần ăn hợp lý giúp trẻ em phát triển toàn diện. Ảnh: Linh Ngọc |
Khẩu phần ăn chưa hợp lý
Có điều kiện kinh tế khá giả, chị Nguyễn Lê Huyền (32 tuổi, ở Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên) tập trung “bồi bổ” cho cậu con trai đầu lòng. Chị Huyền cho hay, chị dành phần lớn thời gian mỗi ngày chỉ để lo cho con ăn. Mỗi sáng, chị “nhồi” cho con một cốc sữa ngoại giàu dưỡng chất, một quả trứng, một miếng phô mai. Đến 9h chị cho con ăn thêm bát cháo hải sản; trưa, tối cũng ê hề các món thịt, cá. Thế nhưng, chị Huyền luôn khổ sở vì con mãi không lớn. Con chị, dù đã 5 tuổi nhưng chỉ nặng 13,5kg. “Nhìn con thấp, bé hơn các bạn cùng lớp mà mình vô cùng lo lắng”, chị Huyền nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao không hoàn toàn do gen mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động. Nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cho thấy, di truyền chỉ chiếm 23%, 25% là do tâm lý và môi trường sống, 20% liên quan tới chế độ rèn luyện thể lực, và quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng - chiếm tỷ lệ 32%. Thực tế, nhiều trẻ có cha mẹ là người Việt Nam sinh sống ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản, khi trưởng thành, các em cao tương đương, thậm chí nhỉnh hơn bạn đồng trang lứa ở nước sở tại.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, người Việt đang nuôi con không đúng cách. Cụ thể, khẩu phần ăn của trẻ em lứa tuổi mầm non (2-6 tuổi) hiện đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bảo đảm đa dạng, cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về năng lượng và một số chất dinh dưỡng quan trọng như: Vitamin A, sắt, kẽm, canxi… Không chỉ những trẻ còi mà cả trẻ thừa cân béo phì cũng thiếu vi chất dinh dưỡng. Ở giai đoạn từ 2 đến 6 tuổi, nếu được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, trẻ sẽ tăng khoảng 8,5kg và 28,5cm chiều cao. Trẻ bị thấp còi lúc 3 tuổi, khi đến 18 tuổi sẽ có chiều cao thấp hơn so với chiều cao bình thường có thể đạt đến.
Bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia ví việc nuôi dưỡng một đứa trẻ phát triển khỏe mạnh, cao lớn cũng giống như xây một ngôi nhà. Xây một ngôi nhà cao, to, vững chắc cần có những nguyên liệu tốt, được phối hợp theo tỷ lệ phù hợp. Nuôi một đứa trẻ cũng vậy, muốn con cao lớn, khỏe mạnh thì phải cung cấp cho con đủ chất dinh dưỡng cần thiết với một tỷ lệ thích hợp ở từng giai đoạn phát triển. Bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng phải bảo đảm chất sinh năng lượng là bột (chiếm 65%-70%), đạm (12%-14%) và chất béo (18%-20%). Ngoài ra, cần ăn đủ rau và hoa quả (cung cấp các vitamin, chất khoáng và xơ)...
Phát huy các yếu tố có lợi cho xương khớp
Đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao tầm vóc và thể lực cho trẻ, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, phụ nữ trước và trong khi mang thai cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng. Trẻ sinh ra cần được bú sữa mẹ ngay cho đến khi đủ 24 tháng tuổi. Đến thời điểm ăn dặm, trẻ cần được bổ sung các nhóm thực phẩm một cách hợp lý, nhất là bổ sung canxi đúng cách.
Năm 2017, tỷ lệ trẻ em Việt Nam thấp còi và suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi có giảm chút ít so với năm 2016. Cụ thể, cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân. Cả nước hiện có gần 2 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi, khoảng 5.000 trẻ em tử vong do những nguyên nhân liên quan đến suy dinh dưỡng. |
Phụ huynh nên chọn cho con em mình chế phẩm canxi dễ hấp thu, phù hợp sử dụng hằng ngày như sữa. Tuy nhiên, khi uống sữa, cần phải uống đúng cách để cơ thể hấp thụ tốt lượng canxi. Cụ thể, nên uống sữa sau khi ăn một tiếng đồng hồ, tốt nhất là vào buổi sáng hoặc trưa khi cơ thể vẫn còn hoạt động để tránh tình trạng ngưng đọng canxi.
Cùng với chế độ dinh dưỡng, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, cha mẹ nên tập cho trẻ sở thích vận động. Tùy từng lứa tuổi mà chọn những bài tập thể lực phù hợp. Chẳng hạn, trẻ 2-5 tuổi cần những trò chơi đơn giản, vận động tự do như đi bộ dạo chơi, chạy nhảy, đạp xe mini… Các hoạt động, động tác vươn cao, duỗi dài giúp bé phát triển chiều cao. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý giữ cường độ và thời gian vận động ở mức vừa phải - khoảng 15 phút/ngày. Trẻ 6-7 tuổi có thể tập thể dục nhịp điệu, bơi lội, chạy bộ, chơi bóng đá; trên 8 tuổi thì đạp xe, chơi bóng rổ, bóng đá, bơi lội…
Khi bảo đảm một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đồng thời phát huy được các yếu tố có lợi cho sự phát triển hệ cơ xương khớp thì người Việt Nam có thể đạt được chiều cao trung bình là 1,7m. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cũng khuyên các bà mẹ nên theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ bằng cách cân, đo đều hằng tháng. Nếu thấy trẻ không đủ cân nặng, chiều cao theo tiêu chuẩn thì nên đưa trẻ đến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn. Chiều cao không giống như cân nặng nên cần được tích lũy từng chút một, vì vậy phải can thiệp sớm thì mới hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.