(HNM) - Làng quê nông thôn miền Bắc được coi là cái nôi của tập tục têm trầu, ăn trầu và mời trầu. Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội, thói quen ăn trầu của người dân (kể cả người cao tuổi) cũng đang dần mai một. Nhưng ở vùng Thạch Thất (Hà Nội) thói quen ăn trầu vẫn tồn tại và đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân.
Làng "nghiện" trầu
Từ lâu, ăn trầu đã trở thành nếp sống, nếp sinh hoạt văn hóa của người xứ Đoài. Để "mục sở thị" thói quen ăn trầu của người dân, chúng tôi đã tìm về thôn Phú Lễ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất. Nằm bên bờ sông Tích với con đê cong cong như một dải lụa đào, cũng giống như các vùng quê thuần nông khác, Phú Lễ có những nét kiến trúc điển hình của nông thôn Bắc Bộ: nhà ngói, sân gạch, tường bao quanh, lũy tre làng xanh xanh rợp mát trên con đường làng dẫn ra cánh đồng. Ở đây, từ già trẻ, gái trai ai cũng biết ăn trầu, nhà nào cũng có hàng cau, giàn trầu trước sân và người dân trong làng môi lúc nào cũng đỏ thắm. Tục ăn trầu nơi đây đã có từ lâu đời, ở Phú Lễ nhà nào cũng sẵn bình vôi, lá trầu để ăn và mời khi có khách đến chơi. Thấy chúng tôi hỏi thăm, bà Kiều Thị Nhung ở đầu thôn miệng vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa cho biết: cũng như nhiều xã khác ở xứ Đoài, người Phú Lễ ăn hai loại trầu, một là trầu không gồm cau, trầu và vỏ nhai lẫn. Ăn trầu này có cái tươi ngọt từ hạt cau, cái cay của lá trầu, cái nồng nàn của vôi, cái bùi của miếng rễ… Loại thứ hai là trầu thuốc, ăn trầu với thuốc lào, miếng trầu đậm hơn và làm cho khuôn mặt bừng bừng hơn - thứ trầu này được những người ăn lâu năm và "nghiện" trầu rất thích. Người mới tập ăn trầu mà thêm thuốc lào vào là say ngay. Ăn trầu vừa thơm mồm, đỏ môi, chắc răng vừa như có chất kích thích rất khó tả. Khi có khách đến chơi, chủ khách cùng nhau ăn trầu, uống nước trà xanh, câu chuyện càng thêm thân tình. Cũng bởi vậy mà đám cưới, đám ma ở Phú Lễ không khói thuốc lá, nhưng phải có trầu cau.
Không chỉ dân Phú Lễ thích ăn trầu, ở khắp các vùng quê Thạch Thất, đâu đâu cũng thấy người ăn trầu; trong các đám cưới, hỏi, trong ngày hội làng, ngày xuân, hay ngay cả trong cuộc sống thường nhật.
Trầu cau - văn hóa xứ Đoài
Ông Nguyễn Xuân Nho, Trưởng thôn Phú Lễ cho hay: Nếu như ở nhiều vùng người ăn trầu thường têm cánh phượng, đựng trong cơi son, thiếp vàng đẹp mắt và sang trọng thì người Phú Lễ lại có cách thưởng thức trầu rất dung dị: trầu têm kiểu cuộn tròn hình kén, hay đơn giản là quả cau bổ sáu và lá trầu vàng quệt vôi để sẵn ở đĩa. Ai ăn bao nhiêu thì tự cuốn lại. Không chỉ ngon miệng, trầu cau còn gắn bó và gửi gắm nhiều ý nghĩa nhân văn. Theo truyền thống xưa, vào mỗi mùa khoa cử, những ai trong làng đỗ đạt cao sẽ được dân làng dâng cho miếng cau trầu têm thơm ngon nhất, chọn lọc kỹ nhất. Từ đó, làng Phú Lễ luôn đi đầu trong truyền thống hiếu học. Cả làng hiện có hai tiến sĩ, hơn 10 thạc sĩ trong tổng cộng 208 người có trình độ đại học trở lên. Cũng bởi vậy mà ngày nay trong các nhà thờ các dòng họ trong làng, nhà nào cũng trồng cây cau giàn trầu trước cửa như lời nhắc nhở con cháu nối tiếp truyền thống hiếu học của gia tộc. Ngoài ra, qua cử chỉ têm trầu, ăn trầu, có thể nhận ra phong cách, tính nết cũng như nếp sống của con người. Têm trầu vụng là người không khéo tay; miếng trầu nhỏ miếng cau to là người không biết tính toán làm ăn; miếng trầu quệt nhiều vôi là người hoang phí không biết lo xa...
Đã bao đời nay, miếng trầu gắn bó khăng khít với người dân Thạch Thất. Nó còn chứa đựng và chuyển tải tình cảm sâu đậm của người dân đối với quê hương. Chẳng thế mà nhiều người Thạch Thất dù là nông dân, công chức, hay cả cán bộ lãnh đạo huyện vẫn giữ thói quen ăn trầu. Mỗi khi phải đi công tác xa, họ cũng mang theo cơi trầu. Trong ngày hội rối nước của các xã Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá, sau màn chào hỏi bao giờ cũng là màn rối mời trầu.
Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, tục ăn trầu nhiều nơi đã phai nhạt ở nhiều làng quê, song văn hóa trầu cau không dễ phai mờ trong truyền thống người dân xứ Đoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.