Thảo luận tại hội trường sáng 27-11 về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều đại biểu đóng góp ý kiến về nội dung quy hoạch xây dựng, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị của thành phố Hà Nội.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật điều khoản liên quan đến quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành điểm đột phá nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại, nhất là khi vấn đề này đã được nhắc tới trong nhiều năm qua nhưng việc thực hiện còn chậm.
Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) lại cho rằng, dự thảo Luật không nên quy định quá chi tiết về một số nội dung cụ thể như khu nội đô lịch sử thuộc quận nào, sông Hồng là trục xanh ra sao… vì sẽ gây nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đại biểu cũng cho rằng, Luật Thủ đô nên quy định giao cho HĐND thành phố ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch phát triển Thủ đô trên nguyên tắc cao hơn tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của quốc gia; giao UBND thành phố vận dụng quy chuẩn đó quyết định các hoạt động quản lý đầu tư phát triển cụ thể.
“Khi Luật đã trao quyền cho thành phố tự quy định như trên thì việc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch sẽ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của thành phố mà không sợ bị lạm quyền hay phá vỡ quy hoạch”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) góp ý, các quy định về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô (Điều 19) còn mang tính nguyên tắc; quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch (Điều 20); quản lý không gian kiến trúc cảnh quan và xây dựng đô thị (Điều 21); phát triển nhà ở (Điều 31)… chưa thật đồng bộ để giải quyết được vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra trong thời gian qua tại Hà Nội, như tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo sau thu hồi đất; quy hoạch, xây dựng và quản lý xây dựng phát triển nhà ở, nhất là nhà ở riêng lẻ, chung cư mini…
Cùng góp ý kiến về những điều trên, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định rõ hơn so với Luật Thủ đô hiện hành về cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm xây dựng Thủ đô.
Để đẩy nhanh tiến độ di dời các trụ sở, cơ quan, cơ sở sản xuất, cơ sở y tế, giáo dục đào tạo ra khỏi khu vực nội đô lịch sử, theo đại biểu, cần các giải pháp, chính sách khả thi. “Đề nghị ngoài quy định chính sách của Nhà nước thì thành phố nên nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, cơ quan, đơn vị chấp hành di dời trụ sở làm việc theo danh mục, lộ trình của Chính phủ quy định nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô theo quy định của dự thảo Luật", đại biểu Đỗ Thị Lan nêu ý kiến.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn Cần Thơ) thẳng thắn nêu, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại Thủ đô những năm qua chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng. Lộ trình thực hiện chưa phù hợp dẫn tới mỗi thời kỳ lại có sự điều chỉnh thay đổi, phát sinh nhiều bức xúc và tiềm ẩn rủi ro, bất ổn cho đời sống nhân dân.
Tại các khu vực “làng trong phố” ở nội đô tồn tại các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy; an toàn khu dân cư, không gian và môi trường sống; cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế.
Tại khu vực “phố trong làng” ở ngoại thành cũng phát sinh các vấn đề, như chưa có sự phân định rõ không gian phát triển đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ và khu vực nào để phát triển nông thôn, nông nghiệp, ổn định lâu dài.
Theo đại biểu, để phù hợp với mục tiêu Thủ đô, là hình ảnh của đất nước và cũng nhằm phát triển Thủ đô thực sự đúng tầm, quy hoạch và lộ trình thực hiện quy hoạch Thủ đô phải được phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, quy hoạch tổng thể Thủ đô với tầm nhìn chiến lược và lộ trình thực hiện phải do Trung ương chỉ đạo việc lập, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.