Trong cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình không thể nào thiếu các hoạt động liên quan đến tiền. Thế nhưng, quản lý đồng tiền thế nào để cân bằng thu chi, thậm chí để “tiền đẻ ra tiền” lại là kỹ năng ít được chú ý trong giáo dục trẻ. Bởi thế, trao cho con kiến thức quản lý tài chính qua một số bộ sách dành cho thiếu nhi là món quà bổ ích nhân dịp năm mới.
Lâu nay, quản lý tài chính dường như là khái niệm rất “cao siêu”, chuyên ngành đối với nhiều người Việt Nam. Lạm phát là gì? Thế nào là tín dụng? Lạm phát và giảm phát khác nhau thế nào? Làm thế nào để bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để tránh rủi ro? Gửi tiết kiệm hay vay vốn cần chú ý gì?... Những câu hỏi này không phải người nào cũng có thể trả lời, dù rằng nhiều hoạt động tài chính ấy liên quan trực tiếp đến mỗi người. Bộ sách “Hiểu về tài chính, vững bước tương lai” của tác giả Cecilia Minden đem lại những kiến thức về tài chính phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, giúp trẻ hình thành các thói quen tài chính có trách nhiệm cho tương lai. Bộ sách gồm 8 cuốn sẽ phần nào giải đáp tất cả những thắc mắc về “Tiết kiệm cho tương lai”, “Tiêu dùng thông minh”, “Cân đối ngân sách”, “Học cách cho đi”, “Hiểu đúng về tín dụng”, “Đầu tư thông minh”, “Hiểu về thuế”, “Tập tành kinh doanh”.
Trong cuộc sống, vô cùng nhiều các hoạt động liên quan đến tiền. Do đó, cho con làm quen với tiền không phải là điều xấu, ngược lại nếu có sự hướng dẫn đúng đắn sẽ giúp trẻ biết hiểu đúng về tiền và giá trị của đồng tiền, biết cách sử dụng tiền, chủ động, tự lập và linh hoạt hơn trong quản lý tiền, khi lớn hơn sẽ biết cách giải quyết mối quan hệ giữa ham muốn và khả năng tài chính, biết tránh các rủi ro cũng như tránh bị cuốn vào các tệ nạn xã hội về tài chính. Ở những nước phát triển, ngay từ tuổi mầm non trẻ đã được làm quen với quản lý tài chính cá nhân thông qua các cuốn sách tranh hay các hoạt động vui chơi. Một trong số bộ sách đã được giới thiệu về Việt Nam là “Tớ là CEO nhí”. Bộ sách gồm 7 quyển: “Chia sẻ là hạnh phúc”, “Kiếm tiền bằng những cách nào?”, “Thế nào là chi tiêu hợp lí?”, “Làm sao để tiết kiệm tiền?”, “Quyên góp là yêu thương”, “Nhật kí chi tiêu”, “Có lao động mới có thu hoạch” giúp trẻ mầm non hiểu được phần nào giá trị của đồng tiền, bước đầu học dùng tiền để mua một số món hàng trong siêu thị hay các quầy bán hàng tự động, tìm thấy niềm vui trong việc tiết kiệm tiền cũng như trong các hoạt động chia sẻ, giúp đỡ những người khác.
Ở Việt Nam, không ít người lớn hiện vẫn có suy nghĩ rằng “tiền không đủ tiêu thì lấy đâu ra mà tiết kiệm”, “bố mẹ còn đang không có tiền để chi thì lấy gì cho con học cách chi”. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính đưa ra lời khuyên, nếu thu nhập trong gia đình chỉ vừa đủ chi trả các chi phí thì các thành viên trong gia đình ấy càng phải được học cách quản lý tài chính cá nhân để bản thân và gia đình có một tình hình tài chính tương lai tốt hơn, an toàn hơn. Độc giả thiếu nhi có thể làm quen với những kiến thức này trong một số cuốn sách đơn giản, dễ hiểu như “Tài chính trẻ em - cách tiết kiệm, đầu tư và làm chủ tiền bạc”, “Thành công kí sự của Kira - Tiền đẻ ra tiền”, “Thương vụ nước chanh”, “Những bài học tạo lập tính cách”, các bộ sách “Em học quản lý tài chính”, “Giúp trẻ quản lý tài chính thông minh”, “Giáo dục kĩ năng quản lý tài chính”.
Đặc biệt, mới đây cuốn truyện tranh về tài chính đầu tiên của tác giả Việt đã được ra mắt. Tác giả là Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Thị Thúy Sen và họa sĩ minh họa Thăng Fly. Mỗi câu chuyện trong cuốn truyện tranh “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” là một bài học về tài chính và cuộc sống với nhiều khái niệm và thông tin hữu ích được giải thích một cách dễ hiểu, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Điều thú vị là những kiến thức về tiền, về tài chính ngân hàng được dẫn dắt bởi ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam như “Đồng tiền liền khúc ruột”, “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, “Làm khi lành, để dành khi đau”, “Trông giỏ bỏ thóc”...
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, người hiệu đính cho cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền”, nhiều người dân vì hiểu lơ mơ về tài chính - ngân hàng dẫn đến đi gửi tiền tiết kiệm mà bị dẫn dắt sang mua trái phiếu, bảo hiểm, hoặc khi đầu tư gặp nhiều rủi ro... Bởi thế, việc phổ cập kiến thức về tài chính cho thế hệ trẻ là điều cần sớm được thực hiện. Cuốn sách “Khéo khôn với tiền - Tránh những ưu phiền” có thể coi là “tủ thuốc tài chính gia đình” cơ bản nên có trên kệ sách trong mỗi gia đình Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.