Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Trao chìa khóa để giải mã các thông điệp nghệ thuật”

Đặng Thủy| 05/02/2010 06:57

(HNM) - Cùng với các loại hình video art, body art… nghệ thuật sắp đặt thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều và chứng tỏ sự phát triển khá nhanh của mỹ thuật đương đại ở Việt Nam. Cuộc dấn thân vào một thứ nghệ thuật còn khá xa lạ này có vẻ như là một cuộc chơi mạo hiểm. Họa sĩ Đặng Thị Khuê - một trong số họa sĩ tiên phong đến với sắp đặt sẽ đưa chúng ta "lãng du" trong thế giới nghệ thuật mới này.

Ngôn ngữ của thời đại, mạo hiểm và hấp dẫn

- Để nói một câu ngắn về nghệ thuật sắp đặt bà sẽ nói gì?

- Đó là ngôn ngữ nghệ thuật của thời ta đang sống, có khả năng biểu đạt được mọi khía cạnh của đời sống con người.

- Là một họa sĩ gạo cội của mỹ thuật Việt Nam nhưng lại theo đuổi dòng nghệ thuật mới từ buổi sơ khai, điều gì khiến bà mải mê đến vậy?

Tác phẩm “Sắp đặt đêm” của Đặng Thị Khuê.

- Thật sự tôi không định tiên phong mà chỉ tình cờ gặp gỡ với sắp đặt bởi ở những năm 70 của thế kỷ trước, thuật ngữ Installation art (nghệ thuật sắp đặt) vẫn chưa thực sự được xác định và thông tin vào Việt Nam thì không có. Trong khi tìm về cội nguồn thẩm mỹ để giải đáp những băn khoăn nghệ thuật, tìm hướng đi cho sáng tạo của mình, tôi gặp được từ truyền thống nhiều giá trị đặc sắc, cả những tố chất tương đồng với tinh thần đương đại. Phát hiện ấy khiến tôi an tâm cho hướng đi của mình và gắn bó với sắp đặt cho tới tận bây giờ. Tôi cũng thường tự hỏi: Phải chăng đang có sự hướng về các giá trị phương Đông trong nghệ thuật đương đại?!

- Nghệ thuật sắp đặt có vẻ như là thú chơi xa xỉ, tốn kém công sức, tiền của mà chẳng bán được. Bà nghĩ sao về điều này?


- Sáng tạo là đi tìm cái mới, cái chưa hình thành nên nó luôn hấp dẫn và mạo hiểm. Đơn độc và thiệt thòi là số phận dành sẵn cho những ai đã dấn thân lựa chọn cả trong phát minh khoa học lẫn nghệ thuật và thời nào cũng vậy. Ở một số quốc gia hiện nay, chính sách tài trợ cho loại hình nghệ thuật phi lợi nhuận này không chỉ từ phía Nhà nước mà còn ở các tổ chức tư nhân, xã hội bởi hiệu quả và tác dụng của nó. Tôi tin rằng rồi ở ta cũng vậy.

Nghệ sĩ tạo hình: Ước được quan tâm như bóng đá

- Có lần bà nói, nếu ví như bóng đá thì nghệ thuật sắp đặt đã có cầu thủ nhưng lại thiếu sân chơi. Điều đó có mâu thuẫn không khi thực tế ngày càng xuất hiện nhiều hơn các triển lãm về nghệ thuật sắp đặt?

- Nghệ thuật sắp đặt đã có ở Việt Nam gần 3 thập kỷ nếu tính từ những thể nghiệm ban đầu không công bố. Cùng với thời gian, một đội ngũ những người làm nghệ thuật sắp đặt đang dần hình thành. Với những nỗ lực không mệt mỏi từ phía các nghệ sĩ, nghệ thuật sắp đặt đã có mặt, dần bình đẳng trong các sự kiện nghệ thuật khu vực và thế giới, thể hiện qua những trưng bày của cá nhân ở nước ngoài, sự tham gia triển lãm quốc tế (như những thành phần không thể thiếu) của các nghệ sĩ Việt…

Song để nghệ thuật sắp đặt đến được với công chúng rộng rãi ở ta, còn trở ngại lớn do sự nhận thức xã hội chưa đầy đủ về loại hình nghệ thuật không gian này, mà chủ yếu là chưa có sân chơi dành cho nó. Đôi khi các nghệ sĩ tạo hình ước mình được quan tâm như bóng đá. Nếu so sánh về mặt cống hiến thì hẳn các nghệ sĩ tạo hình cũng đã đem về khá nhiều vinh quang cho xứ sở khi đưa mỹ thuật Việt Nam vào bản đồ mỹ thuật thế giới bằng những thành tựu đạt được trên sân chơi quốc tế.

- Bà có thể chia sẻ thêm về tương quan nghệ thuật sắp đặt của Việt Nam so với thế giới, cũng như dự đoán về sự phát triển của nghệ thuật mới này ở nước ta?

- Về tư duy ta không kém, về sắc thái nghệ thuật ta còn khá đặc sắc (vì thừa hưởng từ quá khứ) song ta thiếu bề dày kinh nghiệm, kỹ năng sáng tạo và xử lý chất liệu, đặc biệt là những tác phẩm cần quy mô lớn. Nghệ thuật không thể lập trình được và càng khó tiên đoán trước, nó luôn đổi thay như chính cuộc sống. Nhưng tôi tin nó sẽ là xu hướng chủ đạo trong nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Công chúng: Người đồng sáng tạo

- Thưa bà, công chúng chưa hiểu tác phẩm, liệu có phần trách nhiệm của nghệ sĩ?

- Đúng vậy, công chúng không có lỗi gì khi chưa hiểu nghệ thuật để cảm thông với nghệ sĩ. Muốn tác phẩm như một chất dẫn xuất giữa trí tuệ nghệ sĩ với trí tuệ người thưởng ngoạn, ta phải trao cho họ chìa khóa để giải mã các thông điệp nghệ thuật, nhất là với một ngôn ngữ mới và cách tiếp cận hoàn toàn khác trước. Quen với lối diễn giải dựa vào nội dung chủ đề, hình tượng tác phẩm một cách thụ động, áp đặt; giờ đây ở vị thế đồng sáng tạo, phải tham gia vào quá trình diễn biến của tác phẩm, huy động mọi giác quan cảm thụ nghệ thuật, công chúng hẳn sẽ hẫng hụt và bất ngờ. Vì thế ở nghệ thuật đương đại, ngoài tác giả còn cần vai trò của curator (nhà tổ chức, người kết nối giữa tác giả, tác phẩm và công chúng). Việt Nam đã có một khóa học đầu tiên về công việc này, nhưng vai trò của giới truyền thông là không thể thiếu trong việc phổ cập tri thức nghệ thuật mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Trao chìa khóa để giải mã các thông điệp nghệ thuật”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.