Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”

An Trân| 13/10/2011 06:51

(HNM) - Toàn bộ phiên họp chiều 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã dành thời gian xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.


Thời gian qua, UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với một số loại hành vi vi phạm áp dụng trên địa bàn hai thành phố với mức xử phạt cao hơn so với mức chung. Vì vậy, tại dự thảo lần này Chính phủ đưa ra quy định mức phạt tiền cao đối với khu vực nội đô tại các thành phố trực thuộc TƯ nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và trật tự quản lý đô thị trên cơ sở đề nghị của HĐND cùng cấp.

Tán thành quy định trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị Luật cần quy định rõ mức trần xử phạt, sau đó HĐND trực thuộc TƯ sẽ quyết định mức cụ thể để giúp địa phương tăng cường tính chủ động. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề xuất việc phạt tiền cần tiến hành đồng thời với việc giáo dục pháp luật cho người dân, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.

So với Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo lần này đã đề nghị khung phạt tiền theo hướng tăng mức phạt tối thiểu lên gấp 5 lần và mức tối đa lên gấp 4 lần. Cụ thể, mức phạt tối thiểu được điều chỉnh từ 10 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng, mức phạt tối đa được điều chỉnh lên 2 tỷ đồng. Chưa đồng tình với đề xuất này, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc nâng mức phạt tiền trong dự thảo luật là quá cao so với sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thu nhập của nhân dân. Đồng thời cũng không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn để tăng mức phạt tiền cao như dự thảo. Mặt khác, nếu chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà không quan tâm các giải pháp khác thì sẽ không đạt được mục đích để giảm vi phạm. Chẳng hạn, với hành vi xây dựng trái phép, chỉ cần phạt cảnh cáo nhưng áp dụng tốt biện pháp "buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép" sẽ có tác dụng tốt hơn; tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại "cho tồn tại".

Sáng cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Khiếu nại và dự án Luật Tố cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.