Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh những sai lầm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Phương Thu| 13/06/2019 13:46

(HNMCT) - Cùng với tuổi tác, các cơ quan trong cơ thể con người sẽ lão hóa theo từng năm và người cao tuổi sẽ phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép.


Không khám bệnh định kỳ

Việt Nam đang là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Người cao tuổi (NCT) ở nước ta hiện có khoảng 10 triệu người, tương đương khoảng 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, NCT Việt Nam chiếm 17% dân số và sẽ tăng lên 25% vào năm 2050.

Tiến sĩ Nguyễn Bích Ngọc, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho rằng, điều kiện sống được cải thiện nhiều so với trước, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng tốt hơn đã góp phần tăng tỷ lệ tuổi thọ của người Việt Nam.

Tuy nhiên, NCT đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc. Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa trung ương với 610 người trên 80 tuổi tại Sóc Sơn (Hà Nội), trung bình một người cao tuổi mắc tới 6,9 bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Chí Bình, Khoa Tim mạch - Hô hấp (Bệnh viện Lão khoa trung ương), NCT thường mắc phải các bệnh liên quan đến chuyển hóa, bệnh không lây nhiễm như đột quỵ, tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, bệnh liên quan đến phổi...

Đặc biệt, NCT thường bị mắc đan xen đa bệnh lý, sức khỏe suy giảm nên việc điều trị, dự phòng thường gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, NCT thường suy nghĩ tiêu cực, lo sợ rằng bản thân trở thành gánh nặng cho con cháu. Điều này gây trở ngại cho quá trình điều trị.

Đặc biệt, sai lầm thường gặp trong việc điều trị bệnh của NCT là không dùng thuốc thường xuyên theo đúng chỉ định, dùng mãi một đơn thuốc cũ mà không chịu đi thăm khám lại bệnh...

Bác sĩ Nguyễn Chí Bình cho rằng, trên thực tế, tâm lý chủ quan với sức khỏe của NCT rất nguy hiểm. Bởi vì ở độ tuổi này, các cơ quan trong cơ thể đã lão hóa, chức năng đào thải chất độc suy giảm, rất dễ bị mắc phải các căn bệnh nguy hiểm như mỡ máu, tiểu đường, tim mạch, loãng xương… Xây dựng thói quen khám sức khỏe cho NCT sẽ giúp phòng tránh những bệnh tật nguy hiểm, phát hiện bệnh ngay ở giai đoạn mầm mống.

Vì vậy, dù không có biểu hiện bệnh, người thân trong gia đình cũng nên thuyết phục NCT đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/lần, vừa phòng bệnh vừa có thể sớm phát hiện bệnh, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.

Ít vận động

NCT thường có xu hướng ít vận động hơn người trẻ. Thậm chí, do sợ té ngã nên không ít NCT ngại tập thể dục, thể thao. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, nhiều nghiên cứu cho thấy, chính việc ít vận động sẽ gây nên sự ngưng trệ của cơ thể và thoái hóa. Do vậy, NCT cần được vận động thường xuyên, để khớp xương co duỗi linh hoạt. Điều này cũng giúp hỗ trợ ổn định huyết áp, sức khỏe tim phổi tốt hơn. NCT nên chọn những hình thức vận động nhẹ nhàng, thông dụng như đi bộ đều đặn mỗi ngày. Việc vận động đều đặn sẽ giúp ăn ngon, ngủ sâu cũng như có tinh thần vui vẻ, sảng khoái hơn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Anh cho rằng, NCT thường ít vận động vì thế có rất nhiều nguy cơ mắc bệnh, trong đó táo bón là bệnh thường gặp nhất. Nguyên nhân do cơ thể ít vận động lâu ngày sẽ làm phân tồn trữ ở trực tràng dẫn đến táo bón. Bệnh táo bón lâu ngày sẽ làm phồng các tĩnh mạch vùng hậu môn gây nên bệnh trĩ.

Vì vậy, khi chăm sóc sức khỏe NCT cần chú ý đến các bệnh này. Để khắc phục cần cho NCT ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, việc bổ sung chất xơ nhằm kích thích nhu động ruột là rất cần thiết, không nên ăn quá no, không ăn nhiều mỡ, tốt nhất là nên ăn nhiều bữa trong ngày.

Đặc biệt, nên khuyến khích NCT tập thể dục thường xuyên bằng những bài tập đơn giản như đi bộ 1-2 tiếng mỗi ngày để phòng chống các bệnh về tim mạch, huyết áp, suy giảm trí nhớ, rối loạn tuần hoàn não.

Cần chăm sóc sức khỏe tinh thần

Đối với NCT thì “ăn ngon, ngủ sâu” là điều quan trọng nhất. Đặc biệt, ở NCT thì uống quan trọng hơn ăn để cơ thể không bị thiếu nước và chất điện giải. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Trung Anh khuyến cáo, món canh trong các bữa ăn hằng ngày là rất cần thiết. Việc chăm sóc sức khỏe cho NCT rất khó. Khi cho ăn, đừng nên ép ăn nhiều, thay vào đó, nên chia nhỏ bữa ăn và tạo cảm giác thoải mái để họ được ăn ngon miệng hơn.

Để nâng cao sức khỏe cho NCT, công tác dự phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Theo bác sĩ Nguyễn Chí Bình, NCT cần duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ, có sổ theo dõi bệnh và tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, tinh thần là một trong những yếu tố rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe NCT. Những NCT rất cần tình yêu thương và sự quan tâm của con cháu và người bên cạnh. Đây cũng chính là một trong những điều quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người già. Do đó, luôn vui vẻ, tạo cảm giác gần gũi, ân cần khi chăm sóc NCT như trò chuyện, nắm tay, ôm vai…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tránh những sai lầm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.