Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh những bi kịch khi con trượt đại học

Nguyễn Văn Công| 19/07/2010 10:23

Sau kỳ thi tốt nghiệp và đại học vừa qua, đã có ít nhất 3 học sinh tự tử vì trượt, hoặc vì lo thi trượt. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn khi kết quả thi đại học được công bố thời gian tới.

Thi đại học là bước ngoặt quan trọng, song không phải là con đường duy nhất để vào đời. Ảnh: Hoàng Hà.

Trường hợp đầu tiên là một thí sinh ở huyện Định Quán, Đồng Nai, tự tử vì trượt tốt nghiệp trung học phổ thông. Những dòng thư để lại cho biết em thực sự thất vọng vì điểm thi không đạt như mong muốn và rất bức xúc trước thái độ và hành vi nói ra nói vào đầy ác cảm của mọi người trong gia đình. Em quyết định tự tử để giải tỏa tâm lý, chạy trốn những áp lực sau kỳ thi.

Một trường hợp khác, chỉ vì nhận được thông tin kết quả thi tốt nghiệp thiếu 0,5 điểm mà một học sinh ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai cũng đã uống thuốc sâu.

Không lâu sau đó, một học sinh giỏi của trường THPT Lê Khiết (Quảng Ngãi) cũng tìm đến thuốc rầy sau khi thấy mình làm bài thi đại học chưa tốt.

Chưa đến mức tự tử, song rất nhiều sĩ tử hàng ngày vẫn phải gồng mình đối phó với những sức ép từ gia đình, bạn bè từ kết quả thi đại học sắp tới. Không ít em bị stress, căng thẳng nặng nề.

Hoàng Yến (18 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) tâm sự: “Em vừa thi xong đại học. Cha mẹ họ hàng và thầy cô kỳ vọng quá, cộng với kỳ thi khó khăn khiến em luôn ở trong nỗi ám ảnh. Em rất sợ mỗi khi nghĩ đến việc mình sẽ trượt đại học".

Cha mẹ Yến đều làm ở ngân hàng, họ muốn em phải nối nghiệp bằng việc thi thật tốt các môn tự nhiên. Trong khi đó, Yến lại học tốt môn lịch sử và mong được thi trường xã hội nhân văn. Tuy không muốn phụ lòng tin của bố mẹ, nhưng Yến thật sự lo sợ và mất hết bình tĩnh. "Nếu không qua được kỳ thi đại học năm nay chắc em không còn đủ tự tin để tiếp tục cuộc sống”, cô gái trẻ thổ lộ.

Còn Hà Dung (20 tuổi, Long Thành Đồng Nai) thì chia sẻ trong ấm ức: "Cả nhà em có truyền thống học trên đại học, duy chỉ có em là thi hai năm vẫn trượt 'vỏ chuối'. Em rất nản và ức chế mỗi khi nghĩ đến việc thi tiếp, nhưng gia đình bắt em phải tiếp tục ôn thi lại, chừng nào đỗ mới thôi. Cuộc sống của em như bị ai bóp nghẹt, em quá mệt mỏi trước những lời la mắng, đay nghiến của bố mẹ".

Cậu cũng cho biết kỳ thi đại học lần ba này chắc là sẽ trượt tiếp. "Em phải làm sao đây, em muốn tìm đến cái chết để giải thoát mà không thành".

Theo các chuyên gia tâm lý, do căng thẳng vì nhiều áp lực, sau khi thi nhiều sĩ tử có những biểu hiện rối loạn tâm thần, biểu hiện lâm sàng như: buồn rầu, lo lắng luôn cảm thấy bất an,… Nếu biết kết quả trượt, nhiều em sẽ có biểu hiện tâm thần nặng hơn như: nói nhảm, ngại tiếp xúc với mọi người, hằn học, gắt gỏng với người thân, có nhiều biểu hiện chán sống, tự làm đau bản thân… Nếu người thân không quan tâm, chia sẻ, các em sẽ có suy nghĩ và hành vi tự sát.

Để tránh những kết cục bi thảm như trên, các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh cha mẹ phải có một cái nhìn thoáng hơn và giúp cho con hiểu rằng, đại học không phải là con đường duy nhất.

Trong xã hội có nhiều tấm gương những người thành đạt dù không có bằng đại học. Cha mẹ phải cùng con nhận ra rằng liệu con có đủ khả năng để thi đại học hay không. Nếu biết được con không thể thi đỗ thì hãy chấp nhận và khuyến khích con bước vào đời bằng những con đường khác nhau như học nghề, học trung cấp, cao đẳng và sau đó học tiếp lên… Cha mẹ phải cùng con hoạch định những phương án khác nhau để khi đối mặt với thất bại các em đỡ bỡ ngỡ, hẫng hụt.

TS giáo dục học Nguyễn Minh Thức (Giảng viên Trường ĐH sĩ quan Lục quân 2) cho rằng: “Muốn các em vượt qua được những thất bại thì cha mẹ hãy tập cho con mình từng bước đối mặt ngay với những khó khăn, thất bại trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt hình thành cho con những kỹ năng xử lý các tình huống khó khăn nhất, như vậy sau này các em mới vững vàng để vượt qua được thất bại ở hoàn cảnh khác nhau”.

Cũng theo ông, trong quá trình nuôi dạy con, các bậc phụ huynh cần chú ý tới việc giáo dục bản lĩnh tự tin để trẻ vững vàng đối mặt với sóng gió cuộc đời. Trang bị cho con kỹ năng sống để nâng cao sức đề kháng, giúp con thích ứng với stress. Chẳng hạn dạy con biết được vị trí của mình ở đâu để đặt ra mục tiêu cho phù hợp. Tránh áp đặt, yêu cầu quá cao cho con, bởi không ít những học sinh khá và giỏi vẫn sẽ trượt đại học.

Nếu con bạn có những biểu hiện suy sụp tinh thần, trốn chạy cuộc sống, ý muốn tự tử thì các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh để cùng con tháo gỡ, vạch ra cho con nhiều con đường thuận lợi hơn khi không đỗ đại học. Hãy cho con hình dung ra được hậu quả khi con chán nản, mất phương hướng, hay tự tử đều ảnh hưởng suốt đời đến những người thân nhất…

Trường hợp cha mẹ không giải quyết được cần đưa con đến các trung tâm tư vấn để được các chuyên gia tâm lý giúp đỡ.

Khi con thi trượt, phụ huynh tuyệt đối không nên trách cứ, la mắng. Tốt nhất hãy cởi bỏ những lo toan, không bàn nhiều đến việc thi trượt, và xem thi đại học lần này chỉ là một lần thử thách để năm tới thi tiếp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh những bi kịch khi con trượt đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.