Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh nguy cơ dịch chồng dịch

Thu Trang| 06/05/2014 06:28

(HNM) - Tình hình dịch sởi tuy chững lại nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị, trong khi đó, dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết lại có nguy cơ bùng phát.



Theo đánh giá của ngành y tế Thủ đô, tình hình dịch sởi tuy chững lại nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng đang điều trị, trong khi đó, dịch bệnh TCM, SXH lại có nguy cơ bùng phát. Do đó, thời điểm hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh không chỉ tập trung vào dịch sởi mà còn tăng cường các biện pháp đối phó, đề phòng TCM và SXH để tránh nguy cơ dịch chồng lên dịch.

Bác sĩ khám cho bệnh nhi sởi tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Như Ý


Vẫn còn tình trạng trên nóng, dưới nguội

Báo cáo diễn biến của dịch sởi vào thời điểm hiện tại, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, từ cuối tháng 12-2013 xuất hiện ca bệnh sởi đầu tiên cho đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc sởi trong số 4.039 trường hợp sốt phát ban nghi sởi rải rác ở 30/30 quận, huyện. Đỉnh dịch sởi rơi vào giữa tháng 4 với diễn biến tản phát, dịch lên từ từ và xuống từ từ, nguy cơ bùng phát dịch sởi là rất thấp. "Dịch sởi xảy ra tại Hà Nội thời gian qua không có gì bất thường. Bởi vì từ cuối năm 2013 và đầu 2014, dịch bệnh sởi đã diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, kể cả nước đã khống chế được bệnh này như Mỹ", ông Nguyễn Nhật Cảm đưa ra nhận định.

Kết quả nghiên cứu dịch tễ học về dịch sởi trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cho thấy, tại đây không bùng phát dịch là do có nền tảng miễn dịch tốt, tiêm chủng đồng đều, không có vùng lõm về tiêm chủng. Trên thực tế, tính đến nay trên địa bàn thành phố chưa có nơi nào bùng phát dịch và xuất hiện ổ dịch sởi. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, mặc dù số trường hợp mắc sởi trong tháng 4 vẫn còn cao nhưng đã giảm so với tháng 3 sau khi cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc với các biện pháp chống dịch được triển khai quyết liệt. Trước tiên phải kể đến, đó là chiến dịch tiêm sởi và tiêm vét vắc xin sởi đã vượt chỉ tiêu. Từ tỷ lệ ban đầu chỉ đạt hơn 75%, sau hơn 10 ngày các cấp chính quyền vào cuộc "đến từng ngõ, gõ từng nhà", tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức của phụ huynh giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc tiêm chủng. Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi tăng cao tới 98,3%. Tiếp đến là giải pháp phân tuyến hợp lý tại các BV trên địa bàn cùng với việc bảo đảm đầy đủ thuốc, máy, hóa chất, trang thiết bị… phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng cho rằng, với hơn 1.000 trường hợp mắc sởi ở 338 xã, phường, bình quân có 0,97 ca mắc/xã, phường. Như vậy, dịch sởi trên địa bàn Hà Nội thời gian qua vẫn xuất hiện rải rác, chưa thành những ổ dịch lớn, tập trung nhiều người mắc tại một nơi. Hiện tại, dịch sởi đã chững lại, số ca mắc bệnh đã giảm xuống. Tuy nhiên, số bệnh nhân nặng tại BV Nhi trung ương và BV Bạch Mai vẫn còn nhiều, đặt ra thách thức đối với ngành y tế. Hiện có khoảng 10 bệnh nhân đang phải thở máy, nguy cơ tử vong cao. "Đối phó với dịch sởi ở thành phố đang rất "nóng" nhưng qua kiểm tra tinh thần chống dịch ở một số quận, huyện chưa cao. Trong lúc các đơn vị y tế đã vào cuộc tích cực thì vẫn còn có cá nhân chưa thấy hết trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống dịch sởi", ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Quyết liệt, chủ động phòng chống dịch bệnh khác

Song hành với dịch sởi, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc TCM tại 62 tỉnh, thành phố. Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 4-5, toàn thành phố ghi nhận 192 trường hợp mắc TCM tại 26/30 quận, huyện. Mặc dù, số mắc trên địa bàn thành phố đã giảm 41,6% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng theo nhận định của các chuyên gia, trong những tháng tới, tình hình bệnh TCM sẽ gia tăng do điều kiện thời tiết mùa hè trong khi chưa có biện pháp đặc hiệu như vắc xin để phòng bệnh.

Tính từ đầu năm đến ngày 5-5, Hà Nội cũng đã ghi nhận 2 ổ dịch SXH và 37 ca bệnh nhưng không có ca tử vong. Mặc dù 4 tháng đầu năm số ca mắc, số quận, huyện và xã phường có bệnh nhân giảm so với cùng kỳ năm 2013 nhưng dự báo năm 2014 là năm thứ 5 theo chu kỳ dịch (kể từ năm 2009 bùng phát dịch SXH trên địa bàn), cùng với đó là các yếu tố nguy cơ chưa giải quyết được triệt để, như: Tình trạng thiếu nước sạch, tích trữ nước, thuê trọ tại khu vực nội thành, các công trường xây dựng dang dở… nên Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận định có khả năng SXH bùng phát trở lại nếu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không quyết liệt.

Từ bài học công tác phòng, chống dịch sởi, ông Nguyễn Nhật Cảm thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, đó là nhiều ca bệnh được phát hiện và báo cáo muộn, nhiều đơn vị không nộp phiếu điều tra ca bệnh, chưa phát giấy mời tiêm chủng đầy đủ đến từng hộ gia đình, công tác thống kê báo cáo một số nơi còn chưa chính xác, kịp thời… Do vậy, để công tác phòng, chống dịch bệnh sởi, TCM, SXH nói riêng hay các dịch bệnh nói chúng, bên cạnh việc tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu biết và có ý thức chủ động phòng, chống dịch, hệ thống giám sát cần phải được đẩy mạnh, đặc biệt tuyến quận, huyện cần chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, biết cách đánh giá xu hướng, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Theo kế hoạch dự kiến của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội về việc tăng cường phòng chống SXH, cùng với việc tổ chức tập huấn cho mạng lưới cộng tác viên tại 30 xã, phường trọng điểm trong tháng 5 và tháng 6; 100% xã, phường sẽ tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đợt 1 vào tháng 5 và tháng 6; tổ chức 30 chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi tại các xã, phường có nguy cơ cao về SXH trong tháng 6 và tháng 7… Ngoài ra, Trung tâm Y tế quận, huyện sẽ bố trí cán bộ giám sát tại các phòng khám đa khoa, BV huyện, BV thành phố, BV tư nhân được phân cấp 3 lần/tuần… Còn với bệnh TCM, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi mắc bệnh vào khám và điều trị tại các BV huyện, các BV được phân cấp, các phòng khám đa khoa khu vực và tư nhân ít nhất 2-3 lần/tuần. Mặt khác, việc điều tra dịch tễ học, lấy bệnh phẩm xét nghiệm và xử lý môi trường tại ổ dịch cũng cần được thực hiện tốt…

Do bệnh TCM hiện chưa có vắc xin nên để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh theo "3 sạch", gồm: ăn, uống, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch.

Tối 5-5, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận thêm 55 trường hợp mắc sởi. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.085 trường hợp mắc sởi xác định trong số 15.217 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố. Trong ngày, ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi tại BV Bạch Mai và bổ sung thêm 1 trường hợp tử vong ngày 4-5 tại BV Nhi trung ương. Như vậy, từ đầu năm đến nay đã có 135 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc. Bộ Y tế vừa quyết định lập 5 đoàn kiểm tra bệnh tay chân miệng. Ngay trong tuần này, 5 đoàn kiểm tra sẽ làm việc với 5 tỉnh, thành phố có số mắc tay chân miệng cao nhất trong 4 tháng đầu năm 2014, là TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kon Tum và Đắc Lắc.

Xuân Lộc
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tránh nguy cơ dịch chồng dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.