Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh: Phòng chống tốt bệnh tay chân miệng trước khi có vắc xin

Thu Hoài 27/05/2024 - 12:24

Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ chính thức bước vào mùa mưa năm 2024. Ngay trong 2 tuần đầu, số ca bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng. Ngành Y tế thành phố đang triển khai nhiều biện pháp để phòng bệnh.

a246.png
Biểu đồ diễn tiến bệnh sốt xuất huyết năm 2024 và giai đoạn 2019 - 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh.

Gia tăng ca nhiễm

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) vốn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và áp lực cho hệ thống y tế. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết từ năm 2016 đến năm 2023, tổng số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn thành phố là 309.966 và có 75 trường hợp tử vong.

Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 19-5, thành phố ghi nhận 3.251 ca mắc SXH (giảm 56% so với cùng kỳ năm 2023 là 7.446 ca), không có ca tử vong. Ca bệnh đã xuất hiện ở cả 22 quận huyện. Theo HCDC, nhiều năm qua, thành phố luôn là một trong những địa phương có số ca sốt xuất huyết cao nhất cả nước. Bước vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11), dự báo số mắc có xu hướng gia tăng.

a244.png
Diễn tiến bệnh tay chân miệng tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua. Nguồn: Sở Y tế.

Với bệnh tay chân miệng, thống kê của HCDC cho thấy tính đến tuần 20 của năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh có 4.471 ca mắc tay chân miệng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023 và tương đương với số trung bình của 5 năm 2018-2022; số ca bệnh nặng (từ độ 2b trở lên) là 40 ca; không có ca tử vong. Hai tuần qua (tuần 19 và 20), số ca nhiễm tăng nhanh.

Xét chung tình hình bệnh tay chân miệng tại 20 tỉnh thành phía Nam khi bước vào mùa mưa, thống kê của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tổng số ca mắc trong 19 tuần đầu năm 2024 là 13.495 ca, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 55% so với trung bình cùng kỳ 5 năm trước; số ca mắc những tuần gần đây của khu vực cũng đang gia tăng so với những tuần trước đó; đã có 1 ca tử vong.

Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Lê Thiện Quỳnh Như cho biết tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát. Đáng chú ý, ngành Y tế thành phố chưa phát hiện virus EV71 - tác nhân thường gây ra những vụ dịch lớn với nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng - trên địa bàn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Nhận định SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm, có thể gây thành dịch và có khả năng dẫn đến tử vong, chưa có thuốc đặc trị, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh xác định biện pháp phòng chống chủ yếu là “Tìm và loại bỏ nơi muỗi vằn đẻ trứng”. Ngành kêu gọi các cấp, các ngành và người dân chung tay phòng chống bệnh SXH hiệu quả.

a247.png
Yến Nhi đi phân phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cơ sở. Ảnh: YT.

Ngày cuối tuần, cô sinh viên Yến Nhi, một cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú lại cùng các tình nguyện viên khác đi xuống từng khu dân cư để phát tài liệu tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết. “Tài liệu đã ghi rõ cách thức phòng chống để triệt tiêu nơi sinh sản, phát triển của muỗi vằn vốn là tác nhân chính gây ra bệnh SXH để bà con dễ thực hiện", Yến Nhi nói.

Chị Hồng Tươi, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ và là tình nguyện viên y tế cộng đồng quận Tân Phú chia sẻ: “Nhóm cũng khuyến cáo người dân khi phát hiện địa điểm ứ đọng nước lớn có nguy cơ phát sinh muỗi vằn, người dân chỉ cần phản ánh lên ứng dụng “Y tế trực tuyến”, cơ quan chức năng sẽ xuống thực địa xử lý”.

a249.png
Chị Hồng Tươi tuyên truyền cách thức phòng chống bệnh tới cả những người hay di chuyển qua nhiều địa bàn. Ảnh: YT.

Với bệnh tay chân miệng, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt khuyến cáo người dân về việc hiện chưa có vắc xin phòng bệnh này tại Việt Nam. Bệnh nhân (thường là trẻ em) bị lây bệnh qua đường tiêu hóa, với triệu chứng từ nhẹ đến nặng, có thể tử vong.

Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, Sở Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: Ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ năm 2023 đến nay, Sở đã xây dựng các kịch bản phân tuyến điều trị ca bệnh và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tay chân miệng có thể xảy ra. Cùng với đó, Ngành Y tế và ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các trường học, nhất là mầm non.

a250.jpg
Tài liệu tuyên truyền của HCDC về phòng chống bệnh tay chân miệng.

“Sở Y tế giao HCDC giám sát hỗ trợ các trung tâm y tế quận huyện và thành phố Thủ Đức thực hiện hiệu quả các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát tác nhân gây bệnh tay chân miệng ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.

Mới đây, Bộ Y tế đã chính thức cấp phép lưu hành vắc xin Qdenga do Tập đoàn Dược phẩm Takeda sản xuất để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Đây là vắc xin SXH đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam, đã được sử dụng tại hơn 30 quốc gia. Dự kiến vắc xin này sẽ có tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước từ tháng 9-2024. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo vắc xin chỉ là một phần của chiến lược tổng hợp kiểm soát bệnh sốt xuất huyết. Vẫn cần phải kiểm soát tốt trung gian truyền bệnh để tối ưu hóa hiệu quả phòng bệnh.


.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Phòng chống tốt bệnh tay chân miệng trước khi có vắc xin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.