Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh luận trái chiều về hoạt động của kiểm toán nhà nước trong dự án PPP

Tiến Thành| 28/05/2020 15:45

(HNMO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, sáng 28-5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Toàn cảnh phiên họp.

Được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ tám, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ánh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Thảo luận trực tuyến, đa số ý kiến các đại biểu đồng tình với việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Phản ánh nguyện vọng của cử tri, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành các công trình đường sắt trên cao, tàu điện ngầm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà trong đó, cần hoàn thiện các quy định về phương thức đầu tư PPP để lựa chọn các nhà đầu tư có kinh tế mạnh, nhiều kinh nghiệm, công nghệ hiện đại.

Vấn đề hoạt động kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP vẫn còn nhiều tranh luận trái chiều. Đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, dự án PPP bản chất là đầu tư công nên phải kiểm toán toàn bộ, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân. Bởi dự án này là do nhà nước, các cấp có thẩm quyền quyết định, chủ trì đứng ra mời gọi thêm nhà đầu tư tham gia, dự án được lập dựa trên chiến lược phát triển kinh tế, xã hội.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn).

Cùng quan điểm dự án PPP bản chất là đầu tư công, tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, để bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, kiểm toán nhà nước chỉ nên kiểm toán vốn, tài sản nhà nước tham gia các dự án PPP. Nếu trong quá trình kiểm toán phát hiện nguồn vốn bị sử dụng sai mục đích, có nguy cơ thất thoát vốn của nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình thì kiểm toán nhà nước phải đề nghị nhà đầu tư giải trình, nếu phát hiện sai phạm sẽ tiến hành kiểm toán toàn bộ dự án.

Tranh luận với các ý kiến nêu trên, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, quá trình triển khai dự án đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao cho nhà nước thì lúc đó có cả vốn công - tư, đến khi bàn giao cho nhà nước thì đó mới là tài sản công nên kiểm toán nhà nước không thể kiểm toán toàn bộ.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, không thể áp dụng kiểm toán công đồng bộ và tư đồng bộ. Đại biểu đề nghị áp dụng hoạt động độc lập, kiểm toán nhà nước nếu tham gia thì chỉ hoạt động ở một số chỉ số và nội dung phù hợp. Bên cạnh đó, cần xem xét thời điểm tiến hành kiểm toán để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và bảo đảm chặt chẽ.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu).

Đồng tình với quy định cần giữ quy định cho phép áp dụng phương thức PPP đối với các nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện), đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An), đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện nay các nhà máy thủy điện đã thu hút được đầu tư tư nhân thuần túy qua mô hình IPP (nhà máy điện độc lập) mà không cần áp dụng phương thức PPP do chi phí đầu tư ban đầu không cao như các nhà máy nhiệt điện, điện tái tạo, điện khí.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, vấn đề này nên theo cơ chế thị trường, tức là nhà nước và tư nhân đầu tư chia sẻ theo hướng “lãi thì cùng hưởng và lỗ thì cùng chịu”. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đồng tình với tỷ lệ 50/50 khi chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần làm rõ vấn đề quy hoạch, chính sách không thay đổi mà doanh thu vẫn giảm thì cần xem xét khách quan trách nhiệm của nhà nước và tư nhân để đề ra tỷ lệ chia sẻ rủi ro. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; lựa chọn nhà đầu tư...

Giải trình về hoạt động của kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án PPP có đặc thù riêng, thực hiện dự án qua hợp đồng, do đó cần phải có kiểm toán nhà nước những phần thuộc ngân sách nhà nước và một số nội dung như lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu; chất lượng dịch vụ và giá trị khi chuyển giao cho nhà nước. Nhà đầu tư tư nhân cũng có quyền kiểm toán độc lập để bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa hai bên.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn với 14 đại biểu phát biểu ý kiến và 7 ý kiến tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu trước khi trình Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh luận trái chiều về hoạt động của kiểm toán nhà nước trong dự án PPP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.