(HNM) - Các tàu chở ngũ cốc và sản phẩm nông nghiệp đã rời cảng của Ukraine hôm 1-11 theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bất chấp việc Nga ngừng tham gia vào thỏa thuận này. Với vai trò chính của Liên hợp quốc, những nỗ lực để thỏa thuận này không “chết yểu” và tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang diễn ra.
Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu. Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine vào cuối tháng 2-2022, Ukraine không thể đưa ngũ cốc ra thị trường với lý do các cảng bên bờ Biển Đen bị phong tỏa, còn Nga gặp khó trong xuất khẩu nông sản và phân bón vì các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này đã làm tăng giá chóng mặt các loại thực phẩm thiết yếu trên khắp thế giới.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7-2022, dưới sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để nối lại việc xuất khẩu lương thực của Ukraine, cũng như phân bón của Nga ra thị trường quốc tế. Từ khi thỏa thuận được triển khai, hơn 9 triệu tấn ngũ cốc Ukraine đã được xuất khẩu. Thỏa thuận này đã thành công đáng kể trong việc hạ giá ngũ cốc. Đến tháng 9-2022, giá lương thực đã giảm 5 tháng liên tiếp và Chỉ số giá lương thực giảm gần 14% so với mức đỉnh tháng 3.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, thỏa thuận đã gián tiếp ngăn chặn khoảng 100 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Dự kiến, thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn vào ngày 19-11 tới nếu không có bên nào phản đối. Tuy nhiên, ngày 29-10, Nga thông báo đình chỉ tham gia sáng kiến trên do nước này không thể "bảo đảm an toàn cho các tàu dân sự" sau khi Hạm đội Biển Đen bị tấn công.
Dù vậy, việc vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine đến các nước khác trong khuôn khổ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vẫn được thực hiện. Trung tâm Điều phối chung hoạt động của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen (JCC) cho biết, thêm 3 tàu đã rời các cảng của Ukraine vào trưa 1-11. Trước đó, trong ngày 31-10, 12 tàu đã khởi hành từ các cảng của Ukraine.
Theo JCC, kế hoạch di chuyển của các tàu trên đã được các đại diện của Liên hợp quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine nhất trí tại trụ sở của JCC ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và đại diện của Nga cũng được thông báo việc này. Hiện Điều phối viên Liên hợp quốc về Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, ông Amir Abdulla đang tiếp tục thảo luận với các bên trong JCC nhằm nối lại sự tham gia đầy đủ vào hoạt động của trung tâm này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái của Nga và đã trì hoãn chuyến công du nước ngoài để cố gắng khôi phục thỏa thuận nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Theo các nhà phân tích, sau quyết định của Mátxcơva, giá lúa mì kỳ hạn tại Chicago (Mỹ) đã tăng hơn 5%.
Là một trong những nước trung gian, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường ngoại giao với Nga và Ukraine nhằm cứu vãn thỏa thuận. Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths nêu rõ: “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen ràng buộc các bên ký kết không được tấn công tàu hoặc các hoạt động di chuyển hay các cơ sở cảng biển liên quan. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng điều khoản đó vẫn có hiệu lực, kể cả đối với Nga. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để đạt được điều đó vào ngày 18-11”. Phái đoàn Nga tại JCC cho biết sẽ tiếp tục đối thoại với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề liên quan.
Cùng với sự gia tăng chi phí năng lượng, các nước đang phát triển đã bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ và ngày càng có nhiều người đối mặt với nạn đói. Do đó, việc Liên hợp quốc đưa các bên liên quan cùng thực hiện Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ giúp thế giới tránh được một kịch bản khủng hoảng lương thực mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.