Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh cử tổng thống Indonesia: Cuộc đua căng thẳng

Đình Hiệp| 08/06/2014 05:48

(HNM) - Gần hai tháng sau khi kết thúc cuộc bầu cử quốc hội đầy kịch tính, không khí sôi động đã thực sự trở lại trên chính trường Indonesia, khi các ứng viên cho vị trí Tổng thống và Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 9-7 tới, vừa chính thức khởi động chiến dịch tranh cử.

Cặp ứng viên Prabowo Subianto - Hatta Rajasa được xem có nhiều lợi thế trong cuộc bầu cử tổng thống.


Luật Bầu cử tổng thống của Indonesia quy định, chỉ có chính đảng hay liên minh chính trị nào đạt được 20% số ghế trong quốc hội 560 ghế, hoặc chiếm 25% tổng số phiếu bầu của cử tri trong cuộc bầu cử lập pháp tháng 4 vừa qua, mới có quyền tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống này. Vì thế, tham gia vào cuộc đua được dự báo là hết sức quyết liệt chỉ có hai liên minh chính trị lớn ở Indonesia - mỗi liên minh có hai ứng cử viên để tranh cử Tổng thống và Phó Tổng thống. Đó là cặp ứng cử viên Prabowo Subianto, cựu Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Indonesia và cựu Bộ trưởng Điều phối kinh tế Hatta Rajasa, đại diện cho liên minh 6 đảng do đảng Phong trào Indonesia vĩ đại đứng đầu. Đối thủ của họ là ông Joko Widodo, cựu Thống đốc Jakatar và cựu Phó Tổng thống Jusuf Kalla, đại diện cho liên minh 4 đảng do đảng Dân chủ Indonesia đấu tranh (PDI-P) dẫn đầu.

Cuộc bầu cử cam go diễn ra trong bối cảnh PDI-P - đảng đối lập lớn nhất tại Indonesia do cựu Tổng thống Soekarnoputri Megawati làm Chủ tịch - vừa giành được nhiều phiếu nhất trong số 12 đảng tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, với 18,95% số phiếu. Dù phải thành lập liên minh để tranh cử nhưng thắng lợi trên vẫn được xem là lợi thế của PDI-P trước cử tri Indonesia trong cuộc đua này. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Prabowo Subianto và Joko Widodo không chênh lệch nhiều. Vì thế, chiến dịch vận động tranh cử kéo dài một tháng này sẽ có ý nghĩa quyết định đối với cả hai đối thủ. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định, hai ứng cử viên Prabowo Subianto - Hatta Rajasa có lợi thế hơn chút ít so với cặp đối thủ, đặc biệt là ở các khu vực bầu cử ở vùng sâu, vùng xa và tầng lớp cử tri nghèo.

Mặc dù chịu tác động do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng nền kinh tế xứ Vạn đảo vẫn đạt được những thành tựu ghi nhận khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 3 năm qua đạt hơn 6%/năm. Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Indonesia đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP), xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Nga, Brazil, Pháp và Anh. Nếu tính tổng GDP, Indonesia chỉ đứng thứ 16 thế giới với 1.223 tỷ USD. Với lợi thế là nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Indonesia có thể vươn lên vị trí thứ năm trên thế giới tính theo PPP vào năm 2020.

Thế nhưng, những khó khăn mà vị tổng thống tương lai của đất nước gần 190 triệu dân này sẽ phải đối mặt lại không hề nhỏ. Một trong những thách thức đó là vượt qua cái bóng và những thành tựu đối nội, đối ngoại mà Tổng thống sắp mãn nhiệm Yudhoyono đạt được sau 2 nhiệm kỳ (10 năm) lãnh đạo đất nước. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước đang có dấu hiệu chậm lại cùng với các giải pháp nhằm hạn chế nạn tham nhũng là những mong mỏi chính đáng của cử tri Indonesia ở nhà lãnh đạo tương lai. Cùng với những thách thức trên, WB cho rằng khoảng cách giàu nghèo ở đất nước Vạn đảo - quốc gia đông dân thứ tư thế giới - ngày càng nới rộng đang đe dọa mục tiêu xóa đói giảm nghèo của quốc gia ASEAN. Theo cảnh báo của WB, tình trạng này nếu không được cải thiện sẽ kiềm chế sự tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia, khi tiêu dùng của một nửa số người nghèo nhất đã bị đình trệ trong năm 2013.

Cùng với việc tổ chức thành công cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, cử tri Indonesia đang kỳ vọng nhà lãnh đạo tương lai sẽ thổi luồng gió mới thúc đẩy nền kinh tế nước này. Vì thế, cuộc tổng tuyển cử ngày 9-7 tới được xem là cột mốc quyết định đối với sự phát triển của Indonesia - nền kinh tế có vai trò quan trọng hàng đầu trong ASEAN - khi Cộng đồng đang dần được hình thành vào năm 2015. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tranh cử tổng thống Indonesia: Cuộc đua căng thẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.