(HNMCT) - Tranh cổ động có lịch sử phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Không chỉ có ý nghĩa to lớn trong công tác tuyên truyền, tranh cổ động còn là thể loại nghệ thuật đồ họa độc đáo, thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà sưu tầm ở trong và ngoài nước. Nhưng hiện nay, thể loại này dường như đang chững lại vì nhiều lý do.
Ngày ấy...
Buổi khai mạc trưng bày chuyên đề Sưu tập tranh cổ động giới thiệu 30 tác phẩm sáng tác từ năm 1958 đến năm 1986 vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào tuần qua, thu hút sự quan tâm của rất nhiều họa sĩ lớn tuổi. Họ, phần lớn đã trải qua một giai đoạn khá đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam, giai đoạn mà hầu hết họa sĩ đều vẽ tranh cổ động.
Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú chia sẻ: “Tranh cổ động là thể loại đặc biệt, gắn với lịch sử cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1945 chúng ta đã có tranh cổ động và thể loại này phát triển liên tục cho tới hôm nay, nhưng sôi động nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Các họa sĩ lúc ấy xúm vào vẽ tranh cổ động, có những người tham gia triển lãm với hàng chục bức. Họ vẽ suốt ngày đêm, điều đó chỉ có thể lý giải bằng tình yêu với đất nước, với tranh cổ động”.
Còn theo họa sĩ Mạnh Cương: “Những năm chống Mỹ, tác phẩm cổ động mà đoạt giải thì họa sĩ vinh dự lắm, vừa được trưng bày tranh, được in lưới mang đi tuyên truyền rộng rãi ở các địa phương, vừa được bảo tàng mua tranh, in báo thì có nhuận bút... nên các họa sĩ cảm thấy được khích lệ vô cùng”. Ông lúc đó vừa là họa sĩ, vừa là công nhân ngành Điện nên ngoài giờ đi làm là lại kẻ vẽ, sáng tác tranh cổ động. Tác phẩm Bảo vệ Thủ đô, bảo vệ dòng điện của ông ra đời năm 1967 nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và cũng được trưng bày trong dịp này.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ hàng trăm bức tranh cổ động có giá trị cao được sáng tác từ những năm 1950 đến nay, là tác phẩm của rất nhiều thế hệ họa sĩ.
Bây giờ...
Vị trí quan trọng của tranh cổ động trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam là điều khó có thể phủ nhận. Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Sử dụng những thủ pháp đặc trưng mang tính cô đọng, gần gũi, dễ hiểu, tranh cổ động đã kịp thời đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều tác phẩm còn góp phần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, tính nghệ thuật của loại hình đồ họa đặc biệt này, giúp công chúng có cái nhìn toàn diện về Mỹ thuật Việt Nam”.
Tuy nhiên, khi xem, nghe kể về phong trào sáng tác tranh cổ động của giai đoạn trước, không ít người cảm thấy chạnh lòng với chỗ đứng của tranh cổ động hiện nay. Họa sĩ - NSND Phạm Minh Trí nhận định: “Công nghệ số phát triển đang hỗ trợ cho ngành đồ họa một cách mạnh mẽ, các họa sĩ trẻ được học hành, có phương tiện hỗ trợ đầy đủ nên ngôn ngữ cũng mạnh mẽ, hiện đại hơn. Nhưng tranh cổ động hiện nay lại không có được sự phát triển tương xứng bởi thiếu sự tham gia tích cực vào các vấn đề chính trị, xã hội. Các họa sĩ trẻ có nhiều mối quan tâm khác nên tranh cổ động đang bị chững lại”.
Còn theo họa sĩ Nguyễn Đăng Phú: “So với những tác phẩm ra đời cách đây nhiều chục năm thì có cảm giác tranh cổ động hiện nay đang “đứng tại chỗ”. Các tác giả vẫn vẽ theo lối cũ như người ta thường nói vui: “Trời xanh mây trắng nắng vàng/ Công, nông, trí thức xếp hàng tiến lên”...
Cũng theo họa sĩ Nguyễn Đăng Phú, có những người vẽ rất nhiều thể loại mà không được ai nhớ tới, cũng có những người chỉ vẽ tranh cổ động nhưng vẫn được ghi nhớ..., thế nên không thể nói tranh cổ động thua kém các thể loại khác. Bên cạnh đó, cần nhớ là tranh cổ động đang được các nhà sưu tầm, đặc biệt là nhà sưu tầm nước ngoài quan tâm, yêu thích nên có những tuyến phố chuyên bán tranh cổ động hoạt động rất sôi nổi, thậm chí nhiều người còn nhái tranh cổ động để bán... Do vậy, chúng ta cần có sự động viên nhất định với các họa sĩ trẻ, cổ động những xu hướng sáng tác mới thì mới hy vọng tranh cổ động có được bước tiến đúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.