Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh chảy máu chất xám và bẫy thu nhập trung bình

Khánh Vũ| 26/11/2014 06:37

(HNM) - Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế


Mức đầu tư cho nghiên cứu, phát triển còn thấp

Bản báo cáo đã ghi nhận thành tựu về tăng trưởng kinh tế, đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua, trên nền tảng phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Ông Gang Zhang, người trình bày bản báo cáo, nêu: Trong giai đoạn 1990-2007, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng hơn 7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ dưới 100 USD lên đến 1.600 USD. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008, Chính phủ đã kịp thời có những đối sách mới để tận dụng lợi thế quốc tế, vượt qua khó khăn. Đó cũng chính là thời điểm OECD đã có lưu ý về nguy cơ bẫy thu nhập trung bình cũng như việc kinh tế Việt Nam cần dựa nhiều hơn vào năng suất lao động trên cơ sở đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp Việt Nam ít đầu tư cho KH&CN là yếu điểm hiện nay. Ảnh: Viết Thành



Bên cạnh đó, về tổng quan, năng lực KH&CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn khá yếu trong nhiều khía cạnh: Mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển còn rất thấp so với GDP. Tỷ trọng nguồn nhân lực trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cũng khiêm tốn so với một số nước Đông Nam Á. Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư vào nghiên cứu phát triển của khối tư nhân là hết sức nhỏ bé, chỉ khoảng 10% so với mức 90% của Chính phủ. Tỷ lệ này là trái ngược hoàn toàn so với các nước đang phát triển khác.

Những yêu cầu cấp thiết


Trên cơ sở những thống kê thu thập được, các chuyên gia OECD đã phân tích thế mạnh, nguy cơ và cơ hội của hệ thống KH&CN và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Theo đó, thế mạnh nổi bật của Việt Nam là kinh tế phát triển tốt, có vị trí nhất định trong một khu vực năng động nhất thế giới, quy mô lực lượng lao động khá phù hợp với dân số, hệ thống giáo dục phổ thông không thua kém các nước trong khu vực, có thế mạnh xuất khẩu nông nghiệp, dệt may. Việt Nam cũng có uy tín trong một số lĩnh vực KH&CN như toán học, sinh học nông nghiệp… Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực dài hạn trong duy trì các thiết chế đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các chuyên gia OECD cũng chỉ ra rằng, hiệu quả xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng KH&CN còn thấp, hệ thống đào tạo đại học và đào tạo nghề của Việt Nam còn yếu. Những nguy cơ mà hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo đang phải đối mặt hiện nay là hiện tượng chảy máu chất xám và bẫy thu nhập trung bình.

Các phân tích dựa trên cơ sở thực tiễn cho thấy hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển nhờ đội ngũ doanh nghiệp năng động, tích cực đầu tư, sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhằm tạo lợi thế cho tăng trưởng. Ông Gang Zhang cho rằng, khái niệm "tăng trưởng hòa nhập toàn diện" là thích hợp để nói về việc các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới.

Các chuyên gia cho rằng, sự mất cân đối trong đầu tư vào nghiên cứu phát triển giữa khối tư nhân và nhà nước cần được điều chỉnh một cách hợp lý. Các tổ chức, cá nhân cần được khuyến khích, ưu đãi để hội nhập với mạng lưới KH&CN quốc gia, quốc tế và được tạo điều kiện để tự chủ trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, năng lực hấp thụ công nghệ của các ngành sản xuất của Việt Nam cần được tập trung cải thiện một cách mạnh mẽ hơn.

Ông Andrew Wyckoff, Giám đốc khoa học, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo của OECD: Tăng nguồn lực cho đổi mới

Thách thức của Việt Nam lúc này là làm sao đạt mức tăng trưởng cao và bền vững trong điều kiện môi trường quốc tế kém sôi động hơn. Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước. Theo đó, trước hết, Việt Nam cần lựa chọn con đường nâng cao năng suất lao động dựa trên sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững. Để tăng nguồn lực cho đổi mới sáng tạo, hiện tượng chảy máu chất xám cần được đảo chiều thành thu hút chất xám, cùng với đó là nâng cao chất lượng đào tạo đại học và dạy nghề, tạo điều kiện nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, chú trọng hơn nữa đến năng lực kinh doanh và kỹ năng mềm. Việc thu hút và liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài góp phần quan trọng vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu của nhà nước cần đóng góp nhiều hơn bằng việc gắn kết quả nghiên cứu của họ với nhu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh chảy máu chất xám và bẫy thu nhập trung bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.