Đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai. Song, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, chưa đạt yêu cầu. Từ việc nhận diện những nút thắt về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện..., nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Điểm danh những vướng mắc
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình năm 2021 và 2022 đạt 93,56% kế hoạch. Còn năm 2023, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán đến ngày 30-9 là 363.310 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%). Các chuyên gia cho rằng, kết quả trên là tích cực song chưa như kỳ vọng, yêu cầu. Nguyên nhân là bởi những “nút thắt” về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa các ngành, địa phương.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, nguyên nhân chính gây chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công là các vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng. “Phương pháp định giá đất còn chưa thống nhất, chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không còn phù hợp với quy hoạch mới hay việc điều chỉnh chủ trương đầu tư..., gây khó khăn cho bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, ông Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Bên cạnh đó, khâu thực hiện dự án cũng còn nhiều trở ngại làm chậm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ. Một số chính quyền địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.
Cùng quan điểm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho hay, qua thực tiễn kiểm toán có thể nhận thấy, nguyên nhân của những hạn chế trong đầu tư công, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch rất đa dạng. Mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi dự án đều có những khó khăn khách quan, chủ quan khác nhau. Đó là thể chế pháp luật chưa đồng bộ. Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước cũng như các pháp luật chuyên ngành khác chưa bao phủ hết hoạt động đầu tư. Quy trình, trình tự thủ tục còn chồng chéo, phức tạp. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân chủ quan như các cấp, ngành chưa thực sự tích cực; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh; thanh tra, kiểm tra, giám sát thiếu hiệu quả.
Đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết thêm, hiện nguồn cung cấp vật liệu tại một số dự án còn vướng mắc, chậm được giải quyết, đặc biệt là việc cung ứng, cấp phép mỏ nguyên vật liệu phục vụ dự án. Việc xây dựng kế hoạch của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa sát với khả năng giải ngân thực tế do không lường hết các khó khăn, vướng mắc. Năng lực của một số nhà thầu thi công yếu, ảnh hưởng tới tiến độ thi công, tốc độ giải ngân.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, khi nhà thầu nhận công trình thi công, hiếm khi được nhận mặt bằng “sạch” nên tiến độ bị chậm. Việc tổ chức lực lượng, điều phối đào đắp, vận chuyển khó khăn, làm tăng chi phí, gây thiệt hại cho nhà thầu. Đáng lo ngại là hiện nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu trầm trọng vật liệu đắp nền công trình hạ tầng giao thông. Các địa phương mặc dù đã cam kết với Chính phủ nhưng tháo gỡ rất chậm, buộc nhà thầu phải thi công cầm chừng hoặc dừng thi công, ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án. Việc cấp quyền khai thác mỏ vật liệu xây dựng mất nhiều thời gian do nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, đền bù với người dân.
Bên cạnh đó, một số địa phương thông báo giá chưa phù hợp hoặc chưa theo kịp diễn biến thị trường, đặc biệt là với các vật tư, vật liệu phổ biến tại địa phương được đưa vào sử dụng cho dự án. Sự chênh lệch lớn giữa giá vật liệu xây dựng do địa phương công bố với giá thị trường ảnh hưởng đến chi phí xây dựng, khiến doanh nghiệp bị lỗ…
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV Vũ Thanh Hải cho rằng, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
Còn đại diện Bộ Giao thông - Vận tải chia sẻ kinh nghiệm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với kết quả giải ngân. Các chủ đầu tư phải theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân hằng tháng, kịp thời điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn.
Đề cập đến nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chỉ rõ, cần xác định các nhiệm vụ cụ thể của từng bộ, ngành trung ương và địa phương trong toàn bộ hoạt động đầu tư dự án, phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt là tăng cường trách nhiệm phối hợp giải quyết các thủ tục thẩm định dự án, thanh toán vốn... Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát giải ngân vốn đầu tư công gắn với phát hiện, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn; ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả.
Còn Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn Nguyễn Tuấn Anh đề xuất có cơ chế hỗ trợ nhà thầu bị thiệt hại do ảnh hưởng của giải phóng mặt bằng chậm và do chênh lệch giá. Cùng với đó, Chính phủ và cơ quan chức năng cần chỉ đạo UBND các tỉnh phân bổ khối lượng cát đắp cho các dự án theo đúng cam kết, đồng thời giám sát chủ mỏ khi khai thác, cung ứng. UBND các tỉnh công bố giá vật liệu xây dựng cần sát với giá thực tế.
Cách làm hay của Hà Nội
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan nêu, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu thường có nguyên nhân là công tác giải phóng mặt bằng bị chậm do khó khăn khi xác định giá đất, xây dựng khu tái định cư, di chuyên mộ chí đến nơi mới, di chuyển các công trình nổi để thi công. Bên cạnh đó, vì thi công trong nội đô nên vừa phải thi công vừa phải khai thác. Khi thi công phải phân luồng giao thông, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nên việc đưa nguyên vật liệu vào công trường chỉ được thực hiện từ 21h đến 5h hằng ngày. Chưa kể, có những dự án thực hiện trọn gói, phải thi công trong nhiều năm nên nhà thầu gặp nhiều khó khăn do điều chỉnh giá. Sự phối hợp giữa tư vấn, nhà thầu, chủ đầu tư dự án chưa nhịp nhàng, nên khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế phải điều chỉnh nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án…
Vì vậy, trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch sát với từng nhóm dự án, xác định rõ từng khó khăn. Chẳng hạn, với dự án đường Vành đai 4, chúng tôi tách riêng phần giải phóng mặt bằng thực hiện trước. Thành phố giao quận, huyện triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn. Với cách làm này, đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng được khoảng 90%. Với những dự án đáp ứng điều kiện về mặt bằng, chúng tôi xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng tuần, tháng và năm. Nhờ cách làm đó, năm 2022, chúng tôi giải ngân đạt 93%. Trong 9 tháng của năm 2023, tỷ lệ giải ngân đã đạt 68% và phấn đấu đến cuối năm đạt trên 95%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.