(HNM) - Ở Hà Nội, trong số ít phường nội đô còn đất nông nghiệp có phường Quảng An, quận Tây Hồ. Dù có nhiều cách
Không cho đất nghỉ
Chăm sóc hoa tại phường Quảng An. Ảnh: Nhật Nam
Nói Quảng An là nơi mùa xuân đến sớm quả không sai chút nào. Ngay từ giữa tháng Chạp, không khí Tết đã tràn ngập trên khắp các nẻo đường, tuyến phố. Chủ nhiệm HTX Thương mại và Dịch vụ Quảng An Vũ Hoa Thảo cho biết, HTX hiện có 423 xã viên, trong đó có 80% là xã viên nông nghiệp. Toàn phường hiện chỉ còn 42ha đất nông nghiệp, trong đó trên 22ha đất bãi ven sông Hồng chuyên trồng các loại hoa ly, lưu ly, thạch thảo, loa kèn… Gần 20ha còn lại được sử dụng trồng quất cảnh, cam, bưởi, cây cảnh các loại... Đất nông nghiệp còn quá ít, không hộ nào bỏ ruộng, quý đất như vàng vậy. Nhiều hộ không còn đất nông nghiệp đã sử dụng cả sân nhà để trồng hoa, cây cảnh trên chậu hoặc hoa treo. Ông Thảo cho biết, tổng doanh thu từ trồng hoa, quất cảnh trên địa bàn phường năm nay ước đạt 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều người dân phường Quảng An, sản xuất nông nghiệp ở đây không chỉ đơn thuần là bắt đất đẻ ra tiền mà nó thể hiện niềm đam mê với nghề bao đời nay. Nhiều hộ trồng rất nhiều cây cảnh, bình hoa treo, vừa có nguồn thu ổn định, vừa làm đẹp không gian phố phường và cũng vì thế mà rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam tìm đến đây thuê nhà.
Bà Nguyễn Thị Đông, tổ 33, khu phố 10 cho biết, đất ít nhưng với lòng yêu nghề và phương châm "không cho đất nghỉ" nhiều hộ vẫn gắn bó với nghề trồng hoa, quất cảnh. Với 600m2 đất, vụ quất năm nay bà Đông trồng hơn 200 cây quất cảnh. Rét đậm, rét hại kéo dài, việc chăm sóc quất vất vả hơn rất nhiều nhưng giá bán lại cao hơn năm trước, cây to, đẹp bán tại vườn đã được 3-4 triệu đồng, thậm chí hơn chục triệu đồng. Theo nhẩm tính của bà Đông, nếu tính bình quân 1 triệu đồng/cây thì vụ quất năm nay bà thu khoảng 200 triệu đồng.
Trăn trở giữ nghề
Nghề truyền thống của Quảng An là trồng hoa, quất cảnh và nghề ướp chè sen. Tuy nhiên, điều mà người dân nơi đây trăn trở là làm sao giữ được nghề này khi diện tích đất nông nghiệp ở đây ngày càng bị thu hẹp trước tốc độ đô thị hóa, diện tích hồ thả sen giảm dần.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng An Nguyễn Duy Hòa, do diện tích hồ thả sen thu hẹp, phường chỉ còn 13ha, giảm 6ha so với trước đây nên nghề ướp chè sen bị ảnh hưởng, sản lượng chè ướp sen nổi tiếng của phường Quảng An giảm nhiều. Nhiều hộ muốn giữ nghề phải đi mua hoa sen từ các địa phương lân cận. Mặt khác, dù chè sen nức tiếng trong và ngoài nước từ nhiều năm nay, công lao động làm nghề này cũng rất cao (giá bán bình quân 4 triệu đồng/kg chè)… nhưng đến nay món hàng đặc sản này vẫn chưa có thương hiệu. Cả phường hiện có gần 20 hộ làm nghề ướp chè sen với sản lượng trung bình 100kg/hộ nhưng toàn bộ sản phẩm làm ra đều bán trên thị trường tự do, chưa có tổ chức nào đứng ra bảo hộ, khó tránh việc bị làm nhái. Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Đông lo lắng: "Lớp trẻ bây giờ không mặn mà với nghề, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, liệu sau này có còn người trồng hoa, trồng quất cảnh và làm nghề ướp chè sen như bây giờ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.