(HNM) - Công tác xã hội được gọi là “nghề nhân văn” vì mang đến những giá trị nhân văn, điều tốt đẹp cho xã hội. Tuy vậy, những người làm nghề này còn chất chứa những băn khoăn, những nỗi niềm trăn trở khó diễn tả bằng lời.
Mục tiêu hướng đến của những người làm công tác xã hội là mang lại những giá trị tốt đẹp, nhân văn cho xã hội, nên công việc này không dễ nhận diện, gọi tên. Người làm công tác xã hội có thể hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động - thương binh và xã hội, chữ thập đỏ, các tổ chức xã hội, từ thiện… cùng chung đối tượng trợ giúp là những cá nhân, gia đình, nhóm người hoặc cộng đồng đang trong hoàn cảnh khó khăn…
Trên tinh thần đó, hằng năm, lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã kết nối hàng vạn tấm lòng hảo tâm đến hàng triệu hoàn cảnh cần giúp đỡ. Riêng quý I-2023, tổng trị giá nguồn lực hỗ trợ người gặp khó do các cấp Hội Chữ thập đỏ Hà Nội triển khai đạt trị giá hơn 82 tỷ đồng.
Cùng mục tiêu trợ giúp xã hội, những năm gần đây, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội trao quà, học bổng, xe đạp, đồ dùng học tập... cho hơn 77 nghìn lượt trẻ em; tiến hành tư vấn, tham vấn, trợ giúp cho hơn 3.600 người là trẻ em, phụ nữ và các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp…
Đáng ghi nhận, nhân viên công tác xã hội tại các cơ sở y tế trở thành những “chuyên gia” đáng tin cậy để bệnh nhân và gia đình họ nhờ tư vấn, hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề; đồng thời là “nhịp cầu” kết nối những tấm lòng hảo tâm với những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt...
Phấn khởi khi thấy những hoàn cảnh khó khăn tìm được sự trợ giúp, song những người làm “nghề nhân văn” còn đó những nỗi niềm trăn trở. Vì chức năng của công tác xã hội là “phòng ngừa”, “can thiệp”, “phục hồi” và “phát triển”, giúp những cá nhân, gia đình, cộng đồng hạn chế rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nói cách khác, công tác xã hội giúp đối tượng không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, mà còn được trang bị kiến thức, kỹ năng để họ có thể chủ động giải quyết vấn đề trong tương lai. Thế nhưng, nhìn vào thực tế các hoạt động trợ giúp hiện nay có thể nhận thấy, công tác xã hội chủ yếu thực hiện chức năng “can thiệp”, “phục hồi”, đồng nghĩa mới tập trung hỗ trợ giải quyết vấn đề, sự việc khi đã xảy ra; còn việc phòng ngừa để người dân, cộng đồng hạn chế tối đa nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn hoặc bị tổn thương hiện chưa có đủ nguồn lực để thực hiện.
Chẳng hạn, ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Nguyễn Thị Vân Khanh cho biết, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về tâm thần có xu hướng tăng. Tại Hà Nội, theo số liệu công bố, các cơ quan chức năng đang chi trợ cấp xã hội đối với hơn 19 nghìn người mắc bệnh tâm thần, nhưng hiện mới có gần 1.500 người được quản lý, chăm sóc, điều trị phục hồi chức năng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Trong khi đó, việc chăm sóc và điều trị cho người mắc bệnh tâm thần cần kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, nên chưa có nhiều người dân trong cộng đồng có thể hỗ trợ bệnh nhân…
Lĩnh vực khác khiến những người làm công tác xã hội luôn trăn trở là còn những trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh chưa được hỗ trợ phẫu thuật, còn những bệnh nhân mắc bệnh nặng không có khả năng chi trả chi phí điều trị. Buồn hơn là những câu chuyện về phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bạo hành, chưa được phát hiện sớm, can thiệp, hỗ trợ kịp thời…
Để nâng cao hiệu quả trợ giúp người dân, cộng đồng gặp khó, đại diện cho những người làm “nghề nhân văn”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu mong muốn các cơ quan chức năng và những tấm lòng hảo tâm tiếp tục dành sự quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực công tác xã hội cũng như những người làm nghề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.