Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tràn ngập cảm xúc về người Anh Cả của quân đội

An Nhi| 02/03/2015 07:11

(HNM) - Đầu Xuân Ất Mùi mới hẹn gặp được họa sĩ Văn Dương Thành giữa những cuộc đi về liên miên cho công việc giảng dạy và triển lãm tranh tại các nước Châu Âu và Việt Nam. Chị bồi hồi tiết lộ về bộ tranh ký họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp quý giá mà chị gìn giữ như báu vật suốt 16 năm qua.

Một trong số các bức ký họa về Đại tướng của họa sĩ Văn Dương Thành



Trong gia tài tranh khổng lồ được bày kín tường bốn tầng của biệt thự riêng tại Hà Nội, có những bức xếp chồng lên nhau dưới sàn, những giá vẽ đặt ở mọi nơi, thậm chí choán cả phòng ngủ, nhưng riêng một góc rất trang trọng, giữa tầng hai nhà họa sĩ là kệ gỗ lớn với những bức tranh chị vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phần lớn là sơn dầu. Năm vẽ cũng khác nhau. Có năm 1996, 1997, 1998 và có bức ghi 18h10 ngày 4-10-2013 - thời điểm Đại tướng ra đi về cõi vĩnh hằng. Trong tranh chị, Đại tướng mặc quân phục, nhìn ở góc nghiêng hay thẳng, người xem vẫn cảm giác như Đại tướng đang mỉm cười, nhân hậu, hiền hòa mà vững chãi, kiên định.

Văn Dương Thành là họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam và Châu Á. Chị sinh ra tại Phú Yên, lớn lên ở Hà Nội và học ĐH Mỹ thuật Hà Nội 12 năm. Chị là họa sĩ đầu tiên của Châu Á giảng dạy mỹ thuật bằng tiếng Thụy Điển ở nước sở tại. Chị đã có hơn 60 triển lãm tranh lớn nhỏ tại khắp các nước trên thế giới. Tranh của chị cũng được lưu giữ tại bảo tàng mỹ thuật nhiều nước Châu Âu, Châu Á. Văn Dương Thành đã được tặng nhiều giải thưởng mỹ thuật trong đó có danh hiệu "Nghệ thuật kiệt xuất quốc tế" của CFMI, "Vinh danh Đất Việt"…

Họa sĩ Văn Dương Thành nói rằng mình vô cùng may mắn khi được trực tiếp gặp Đại tướng nhiều lần, trò chuyện và vẽ chân dung ông. Chị cẩn trọng mang ra tập tranh ký họa xếp ngay ngắn theo thứ tự đặt trong tập bìa cứng, nhắc nhở: "Đây là những vật quý giá nhất của chị về Đại tướng, nên cẩn thận nhé". Đó là bộ 25 ký họa trực tiếp chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu, Hà Nội từ ngày 29-3-1999 đến 3-4-1999 mà Văn Dương Thành được đích thân Đại tướng nhận lời tiếp. Đó là cơ hội may mắn và hồi hộp đối với bất cứ họa sĩ nào. Văn Dương Thành tự nhủ mình phải tranh thủ từng giây từng phút, vẽ thật nhanh, nắm bắt thật nhiều khoảnh khắc, thần thái của ông. 25 ký họa, có 3 bức được Đại tướng ký tên kỷ niệm, 1 bức Đại tướng vẽ Văn Dương Thành, 1 bức Văn Dương Thành vẽ phu nhân Bích Hà. Tranh ký họa bằng bút chì, bút mực hoặc bút bi, một vài bức họa sĩ phớt thêm màu nước càng làm các đường nét ấn tượng về Đại tướng thêm sống động. Có tác phẩm nhìn Đại tướng như vẫn đang chỉ huy đánh trận, có tác phẩm mang hơi hướng như điêu khắc tạc tượng, có bức khi nhìn những đường chì tỉ mỉ dày mỏng, đậm mờ đan cài người xem dấy lên sự xúc động sâu sắc.

Ký họa chân dung, khó nhất là lột tả được cái thần của nhân vật. Trong tất cả các bức ký họa này, Văn Dương Thành đã thể hiện tinh tế đôi mắt nhìn thẳng của Đại tướng, vừa nghiêm nghị, tinh anh, vừa có chút dịu dàng, điềm đạm. Đặc biệt, rất nhiều bức trong số đó xuất hiện bàn tay của Đại tướng, có lúc cầm điện thoại, có lúc để trên bàn hoặc đặt trên đầu gối. Thậm chí có cả bức riêng vẽ đôi bàn tay ấy, bên cạnh là bông hoa. "Đôi bàn tay tài hoa của vị Đại tướng tài hoa", Văn Dương Thành chỉ giải thích vậy. 25 bức này đều ghi rõ ngày giờ, thậm chí từng phút hoàn thành bức tranh. Bộ tranh thực hiện bằng giấy vẽ thông thường, đã 16 năm vẫn còn nguyên như mới. Chắc chắn, họa sĩ am hiểu và chú ý bảo quản rất kỹ lưỡng bộ tranh này.

Họa sĩ Văn Dương Thành không kể nhiều về lòng yêu kính của mình với Đại tướng, chị mời người viết xem thêm một cuốn tập rất dày, đóng gáy ngay ngắn. Trong đó là hàng trăm bài báo, ở đủ mọi ngôn ngữ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà tự tay chị sưu tầm trong nhiều năm đi khắp thế giới. Chúng được cắt tỉ mỉ, dán cẩn thận, chú thích rõ ràng. Mỗi trang dở ra lại thấy mắt chị rưng rưng. Những xúc động ấy đủ biết, người nghệ sĩ này vẫn tràn ngập cảm xúc sáng tác về Đại tướng của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tràn ngập cảm xúc về người Anh Cả của quân đội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.