(HNM) - Giá trị đồng euro đã rơi tự do xuống mức thấp nhất trong hai năm qua so với USD như lời hồi đáp mạnh mẽ từ thị trường trước quyết định của Moody's vừa hạ triển vọng kinh tế Đức, Hà Lan và Luxembourg xuống
Chứng khoán Âu - Mỹ đỏ sàn sau tuyên bố của Moody’s.
Phản ứng tức thì và dữ dội của Đức trước phán quyết lạnh lùng của Moody's là tuyên bố nhận định này chỉ tính đến những khó khăn trước mắt mà không phải là triển vọng dài hạn không mảy may khiến các nhà đầu tư toàn cầu thôi lo lắng. Chứng khoán Âu - Mỹ đã rùng rùng chuyển động với cuộc tháo chạy khỏi những vùng nguy hiểm đang ngày một hiện rõ tại Châu Âu và toàn thế giới. Dù các đồng nghiệp Standard & Poor và Fitch chưa tỏ ý muốn lấy đi xếp hạng AAA của ba quốc gia trên, song theo Moody's tương lai mù mịt của Hy Lạp và vết trượt dài của Tây Ban Nha cùng Italia vào vũng lầy nợ nần cũng là nguy cơ với các quốc gia còn lại. Khi các khoản cứu trợ "khủng" cứ lần lượt không cánh mà bay, thật khó chắc chắn rằng những nền kinh tế chưa "nhiễm bệnh" ở Châu Âu tiếp tục duy trì được phong độ khi đã bị tác động ít nhiều. Gánh nặng cứu viện cho những quốc gia trụ cột lớn của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) như: Tây Ban Nha hay Italia thậm chí sẽ nặng nề và mang lại nhiều rủi ro hơn cuộc trợ giúp Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Ireland. Điều mà Moody's đang hướng đến cũng là lo lắng của dư luận lâu nay. Mặc dù đã có nỗ lực đặc biệt và có tiếng nói chung trong rất nhiều vấn đề quan trọng, Châu Âu vẫn không thể phủ nhận một sự thật là trận cuồng phong nợ nần tại cựu lục địa đã di chuyển với một tốc lực mới và ngày càng tỏ ra khó dự đoán hơn.
Họa vô đơn chí, những khó khăn thường hay đến cùng một lúc, sợi dây nợ nần với đầu mối từ Hy Lạp đang dần trói buộc, lôi kéo hàng loạt những thành viên khác vào vòng nguy hiểm hiện đã chạm tới Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF). Dẫn lý do ba nhà bảo hộ chính của Eurozone là Đức, Hà Lan và Luxembourg đã mất xếp hạng cao nhất, Moody's không ngần ngại bồi thêm một cú đòn nữa khi quyết định hạ triển vọng của EFSF xuống mức "tiêu cực". Sự kiện "chiếc hầu bao" quan trọng của Châu Âu chịu chung số phận với những nhà tài trợ hàng đầu dù mang tính tượng trưng do không ảnh hưởng tới thực trạng tài chính, nhưng ở một mức độ nào đó, Moody's đang đưa ra những cảnh báo khá toàn diện về sức khỏe của Lục địa già. Vấn đề là, nếu quỹ được thành lập để cứu trợ các thành viên Eurozone không sớm được khôi phục danh tiếng, thì những quốc gia đóng góp cho EFSF cũng khó tránh khỏi "vạ lây". Sẽ có thêm một số quốc gia Châu Âu bị hạ tín nhiệm tín dụng là một dự báo có cơ sở vì "sự cố" không mong muốn của EFSF.
Thiếu một chính sách kiên quyết và đồng bộ được xem là điểm yếu của Châu Âu trong hành trình vượt bão. Những biện pháp theo kiểu nước đến đâu bắc cầu đến đấy đã không nhận được sự đồng tình của nhiều nhà kinh tế vì nó có thể chẳng dẫn Lục địa già sớm tìm ra lối thoát khỏi mê cung nợ nần. Với dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone giảm 0,3% trong năm nay và 0,9% vào năm 2014 trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức kỷ lục, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng ở Eurozone đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Thiết lập liên minh ngân hàng nhằm thúc đẩy sự hòa nhập tài chính, cải tổ cơ cấu theo hướng minh bạch và hoàn thiện hơn là những ý tưởng mà cơ quan tiền tệ lớn nhất thế giới đề xuất cho Châu Âu. Một Lục địa già hùng mạnh hơn cũng là tương lai ổn định cho nền kinh tế thế giới. Châu Âu đang trong một cung đường xấu mà xem ra ở đó bất kỳ một sự chệch hướng nào cũng sẽ bị trả giá bằng chính uy tín của những quốc gia trong khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.