Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăm năm tạo tác một tinh thần dân tộc

An Định| 09/02/2021 08:13

(HNMCT) - Từ năm 1934, khi bắt đầu với những phác họa áo dài đầu tiên trên tuần báo Phong hóa, họa sĩ Lemur Cát Tường đã khẳng định trang phục dù thế nào cũng phải có “tính cách riêng của nước nhà”. Và trong hành trình gần trăm năm, qua bàn tay sáng tạo của lớp lớp thế hệ nhà thiết kế, tinh thần Việt đã được bồi đắp, tỏa sáng trong tà áo dài.

Dựa trên những bản vẽ áo dài của họa sĩ Lemur Cát Tường, NTK Sĩ Hoàng đã cho ra mắt bộ sưu tập Sắc Lemur 2019.

Sáng tạo trên tinh thần tự tôn dân tộc

Họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912 - 1946) quê ở Sơn Tây, Hà Nội, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 4, được coi là "cha đẻ" của chiếc áo dài ngày nay. 

Năm 1934, khi được chủ bút Nhất Linh giao cho chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” trên báo Phong hóa, ông đã biến chuyên mục này trở thành nơi khai sinh áo dài với bút danh Lemur Cát Tường. Điều đặc biệt là ngay từ khi đặt những nét phác họa đầu tiên cho chiếc áo lý tưởng của phụ nữ lúc bấy giờ, ông đã gói vào đó rất nhiều kỳ vọng, đặc biệt là tinh thần tự tôn dân tộc. Ông viết: "Quần áo tuy dùng để che thân thể, nhưng nó có thể như tấm gương phản chiếu trình độ trí thức của một nước. Trước hết nó phải hợp với khí hậu nước ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn; sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn" (báo Phong hóa số 86, ra ngày 23-2-1934).

Từ nền tảng tư duy này, cả nghìn phác họa về áo dài đã ra đời, tạo ra một phong trào đổi mới y phục phụ nữ quy mô sâu rộng nhất ở nước ta. Năm 1935, Cát Tường thực hiện một chuyến đi xuyên Việt để giới thiệu chiếc áo dài tân thời Lemur. Chiếc áo dài do ông sáng tạo đã cải biến chiếc áo tứ thân truyền thống thành áo hai tà trước sau, ôm sát và tôn vinh được nét đẹp cơ thể của người phụ nữ nhưng vẫn kín đáo với màu sắc nền nã, phóng khoáng được kế thừa có chọn lọc theo thẩm mỹ phương Tây. Những thiết kế của Lemur Cát Tường thịnh hành cho tới khoảng năm 1943.

Một người Hà Nội nữa cũng được coi là có đóng góp quan trọng trong việc định hình chiếc áo dài ngày nay là danh họa Lê Phổ (1907 - 2001) quê ở Cự Lộc, Nhân Chính, Hà Nội. Tuy những cứ liệu về việc này không nhiều nhưng ngắm những bức tranh ông vẽ thiếu nữ trong tà áo dài có thể thấy chúng rất gần với áo dài ngày nay.

Một mẫu phác họa áo dài của họa sĩ Lemur Cát Tường đăng trên báo Ngày Nay.

Trăm năm cải biến vẫn vẹn nguyên tinh thần

Gần trăm năm qua, áo dài nữ trải qua rất nhiều biến động, thăng trầm, chọn lọc tiếp thu để có được hình dáng tương đối chuẩn mực như ngày nay. Có thể kể đến những sáng tạo ghi dấu ấn trong lịch sử áo dài như sáng tạo của bà Trần Lệ Xuân khởi xướng năm 1958 với kiểu cách tân bỏ đi phần cổ áo và thay bằng cổ thuyền. Áo dài với tay Raglan (giác-lăng) ra đời vào những năm 1960 do nhà may Dung (ở Đa Kao, Sài Gòn) sáng tạo. Cách ráp tay giác-lăng đã giải quyết được vấn đề khó khăn nhất khi may áo dài là xóa được những nếp nhăn thường xuất hiện hai bên nách và làm cho vải được bo sít sao theo thân hình người mặc từ dưới nách đến lườn eo, khiến chiếc áo dài ôm khít từng đường cong của thân hình người phụ nữ.

Khoảng đầu năm 1970, áo dài miniraglan thịnh hành với tà trước dài đến mắt cá, quần phủ kín chân, có thêm túi. Sau này, các nhà thiết kế đã thêm nhiều họa tiết lên áo dài, thậm chí áo dài còn được cải biến thành trang phục dạ hội, trang phục dân tộc cách điệu với phụ kiện cầu kỳ trong các sự kiện thời trang, thi người đẹp...

Qua thời gian, đặc biệt là trong vài chục năm trở lại đây với sự phát triển sôi động của ngành thời trang, có thể thấy áo dài đã trải qua hành trình cải biến từ hình dáng tới chất liệu, hoa văn... và dần hình thành những chuẩn mực. Nhưng tinh thần của tà áo dài thì dường như không thay đổi. Vì sao áo dài được nhiều người yêu mến, trở thành biểu tượng của vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam? Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đó là bởi: “Áo dài Việt Nam không đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam”.

Mẩu quảng cáo Hiệu may Lemur trên báo Ngày Nay năm 1937.

Lan tỏa tinh thần tự hào áo dài Việt ra thế giới 

Với ý thức tự tôn dân tộc là nền móng của sự sáng tạo, lấy truyền thống làm gốc rễ, áo dài đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt và hình ảnh đó đã được truyền đi khắp thế giới. Những ca từ trong ca khúc Một thoáng quê hương (nhạc sĩ Thanh Tùng - Từ Huy) “Dù ở đâu, Paris, Luân Đôn hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi” đã nâng tà áo dài trở thành bóng dáng của quê hương.

Nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh từng chia sẻ: Muốn ra được với thế giới thì phải biết mình là ai, "gươm báu" để chinh phục thế giới trong lĩnh vực thời trang phải là bản sắc dân tộc. Và bà đã thực hiện tuyên ngôn đó bằng cách dành hầu hết sự nghiệp thời trang của mình để tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam. Vẻ đẹp truyền thống và bí ẩn của tà áo dài, theo bà là “một ngôn ngữ không cần phiên dịch”. Và tình yêu với áo dài và các chất liệu truyền thống đã mang đến cho Minh Hạnh nhiều thành công.

Tinh thần tự tôn dân tộc đó có thể ghi nhận ở rất nhiều hoạt động. Đó có thể là hình ảnh người đẹp Việt Nam tỏa sáng ở những cuộc thi nhan sắc quốc tế, hình ảnh những đoàn ngoại giao văn hóa hay khách du lịch Việt ở nước ngoài...

Cùng với tinh thần tự hào, ý thức chung tay bảo vệ áo dài với tư cách di sản văn hóa dân tộc cũng đang được nhân lên trong cộng đồng. Những lễ hội áo dài được tổ chức thường xuyên hơn, hoạt động quảng bá nhiều hơn, các hội thảo về ý nghĩa văn hóa của áo dài... cho thấy sự nhìn nhận nghiêm túc của các học giả, nhà quản lý về việc cần thiết phải sớm công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: Dù Việt Nam chưa có một quy định chính thức nào khẳng định áo dài là "quốc phục" nhưng từ lâu nay nó đã được mặc định là "áo dài dân tộc" hay "trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam".

Áo dài là một nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam cần được bảo vệ và phát huy giá trị. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Đây chính là lời khẳng định về “chủ quyền” của Việt Nam với tà áo mang dáng vóc quê hương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trăm năm tạo tác một tinh thần dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.