(HNM) - Suốt nhiều ngày qua, đất nước chung nỗi đau mất mát, hàng triệu người Việt Nam cùng hướng về Hà Nội, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lưu lại những ngày cuối cùng trước khi về với Đất Mẹ Quảng Bình.
Lịch sử những ngày qua như quay chậm lại, dẫn ta trở lại với hơn bốn chục năm trước, ngày cả nước khóc tiễn đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, NGƯỜI THẦY LỚN của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày ấy, trong biển trời mất mát, cả dân tộc tay nắm chặt tay, cùng quyết tâm thực hiện ước nguyện của Người trước lúc ra đi. Ước nguyện ấy rồi đã thành sự thật, Bắc - Nam liền một dải, người Việt Nam được sống trong độc lập, tự do, được mưu cầu hạnh phúc trọn vẹn.
Hàng nghìn người dân Thủ đô mang di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Quốc tang. Ảnh: Như Ý |
Hơn bốn mươi năm sau, một lần nữa cả nước sát cánh bên nhau trong ngày "hồng tang" tiễn đưa người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiều muộn ngày Đại tướng mất, tin dữ lan trong nước mắt, bóp nghẹn tim ai. Người Hà Nội gọi nhau thông báo cho nhau qua điện thoại, trên các mạng xã hội, người Việt bốn phương trao truyền cảm xúc, bạn bè quốc tế xúc động nhắc tên ông. Có lẽ, ngay lúc ấy, ít ai kịp nghĩ đó mới là sự khởi đầu cho chuỗi ngày không thể nào quên, những ngày mà người Hà Nội và những ai đang hướng về Hà Nội cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sức lay động, khả năng kết nối, động viên cộng đồng rộng lớn từ "Vị tướng của nhân dân" - như người ta thường nói về ông.
Sinh thời, Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Tôi sống ngày nào, cũng là vì nhân dân ngày đó". Ngày ông rời cõi tạm, lời nói năm nao văng vẳng trong tâm người, ai nấy cùng muốn làm điều gì đó tốt đẹp. Nhớ những ngày đầu sau khi được tin Đại tướng mất, người Việt từ mọi nơi đổ về ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, mong được thắp nén tâm nhang bái biệt ông. Người từ miền Nam ra, người từ miền Trung về, người từ phương Bắc xuống sát cánh bên người Thủ đô, hàng vạn người nối hàng dài suốt vài con phố, chẳng nề hà đói, khát, nắng nôi vất vả. Chính lúc ấy, người ta thấy rõ hơn tình người Việt Nam, tình người Hà Nội là như thế nào qua câu chuyện về sự sẵn lòng sẻ chia khó khăn giữa những người xa lạ nhưng cùng chung tâm nguyện. Chuyện kể rằng có những công dân Hà Nội như bà Thảo, bà Thu, bà Trọng… tình nguyện mang bánh trái phục vụ người ở xa về Hà Nội viếng Đại tướng. Chuyện kể rằng quán "danh trà" trên đường Điện Biên Phủ - Hà Nội ngừng việc kinh doanh, cử người tiếp nước uống cho những điểm phục vụ miễn phí. Chuyện kể rằng chiến sĩ công an Hà Nội và thanh niên tình nguyện nâng bước người tàn tật, người già trên quãng đường đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Chuyện kể rằng giữa đêm khuya, hàng trăm người đã đồng thanh tình nguyện nhường lối cho đội tuyển U19 Việt Nam được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong đêm cuối tư gia Đại tướng còn mở cửa đón khách thăm, bất kể cơ hội của họ không còn. Chuyện kể rằng doanh nghiệp, cá nhân tự nguyện bỏ tiền mua quạt, dựng ô che cho dòng người kiên trì từng bước trên suốt đoạn đường dẫn vào nhà Đại tướng…
Dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Viết Thành |
Ngày quốc tang cuối cùng, ở Hà Nội hay Quảng Bình, từ Điện Biên, Cao Bằng, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, hải đảo xa xôi… đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đâu đâu cũng câu chuyện ghi tạc công lao của Đại tướng. Người Hà Nội gọi nhau ra đường từ tờ mờ sớm, chờ đợi giây phút tiễn đưa Người về với tổ tiên, về với các vị tiền bối cách mạng. Từ Nhà tang lễ nằm trên đường Trần Thánh Tông, qua Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hoàng Diệu, Quảng trường Ba Đình, Cầu Giấy hướng về sân bay quốc tế Nội Bài, cỗ linh xa đi giữa lòng Hà Nội, giữa âm vang lời dân "Đại tướng muôn năm", giữa biển người nghẹn ngào thương tiếc, nước mắt chảy vào trong… Có thể nói gì thêm, có thể nói gì khác ngoài tình người Việt Nam, tình người Hà Nội rộng mở trong nỗi đau chung, vào lúc "cả dân tộc đang nắm tay nhau", "cả nước một nhà" như ai đó nói?
Đã qua hai mươi bốn giờ đồng hồ kể từ giây phút Đại tướng hòa vào lòng Đất Mẹ, ta vẫn không muốn tin đó là sự thật. Tử thần mang ông đi, nhưng không thể lấy đi khối tài sản tinh thần vô giá mà ông để lại, không thể lay chuyển mối dây kết đoàn bền chặt mà ông - "Vị tướng của nhân dân", ngay cả khi đã mất vẫn tỏ rõ là nguồn cổ vũ lớn lao. Hôm qua, người Hà Nội đã trở lại nhịp sống - lao động thường nhật, ngày thứ hai kể từ lúc Đại tướng rời Thủ đô nhưng hình bóng ông, tấm gương vì nước vì dân từ ông vẫn còn ở lại. Trên các trang mạng, trong câu chuyện giữa đời thường, người Hà Nội vẫn quặn lòng khi nhắc đến ông, sao "cây bằng lăng trên phố Hoàng Diệu bỗng ngả màu lá úa", liệu "người học trò cưng đã được tái ngộ với thầy"… Người ta tin vào di sản mà ông để lại, như Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nào, đã hơn bốn chục năm mà nay lòng người vẫn trọn vẹn dòng cảm xúc: "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn".
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.