(HNMCT) - Trong những ngày ngành Xuất bản tập trung cho Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 trên sàn Book365.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông, thì ngành Thư viện cũng chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 (ngày 21-4) bằng việc khai trương kênh "Cùng bạn đọc sách" trên mạng xã hội YouTube. Sách nói (Audio book) hay trải nghiệm “đọc" sách bằng tai đang ngày càng thu hút bạn đọc.
“Đọc” sách bằng tai thực ra không phải là câu chuyện quá mới mẻ. Từ rất nhiều năm trước, những chương trình như “Đọc truyện đêm khuya”, “Tiếng thơ”, “Sân khấu truyền thanh” của Đài Tiếng nói Việt Nam đã gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam. Biết bao tiểu thuyết nổi tiếng, bài thơ hay, vở kịch hấp dẫn đã đến với độc giả thông qua giọng đọc quen thuộc trên những chuyên mục này. Hiện nay, dù các phương tiện nghe nhìn, các kênh giải trí hết sức đa dạng thì vẫn có những người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, chờ đợi những chuyên mục đọc sách này.
Song, cách “đọc” sách bằng tai không đơn thuần là do thói quen mà thực chất nó có những điểm thú vị khác so với cách đọc sách thông thường. Sách nói giúp những người bận rộn tiết kiệm thời gian, khi có thể vừa nghe vừa làm việc khác mà không cần phải chú ý đến từng chữ, từng dòng như cách đọc sách truyền thống. Đa số người chọn sách nói tranh thủ nghe những lúc nghỉ trưa, trên xe buýt, khi làm việc nhà hay trước khi đi ngủ...
Nhờ truyền đến tai người nghe bằng giọng đọc có cảm xúc, thậm chí là nhiều giọng đọc để “sắm vai” các nhân vật mà sách nói giúp trẻ em dễ dàng “đọc” những cuốn sách dày. Bố mẹ có thể cùng nghe, trò chuyện, hướng dẫn, thảo luận để giúp con “đọc” sách bằng tai một cách hứng thú.
Chị Nguyễn Vân Khánh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Mỗi tối trước khi đi ngủ ba mẹ con tôi có khoảng nửa tiếng để đọc sách nói, các con đều rất hứng thú. Thời gian đầu, có khi chưa nghe xong sách thì bạn bé đã ngủ, nhưng giờ đã thành thói quen rồi, với những chương đang “gay cấn” thì háo hức chờ đến giờ đọc ngày mai lắm!”.
Với những ưu điểm như trên, không lạ khi sách nói ngày càng phát triển. Không còn phải chờ đến giờ phát sóng như các chương trình đọc sách trên Đài Tiếng nói Việt Nam, sản phẩm sách nói - khá phong phú, có thể tìm thấy ở các phần mềm chuyên về đọc sách hoặc trên các kênh đọc sách của các mạng xã hội. Cả một “kho” sách nói khổng lồ, từ sách văn học đến sách kinh tế, sức khỏe, khoa học... Song, mặt trái của kho sách nói là sự xuất hiện của không ít trang sách gây phản cảm, chứa đựng yếu tố giật gân, kinh dị, gợi dục. Do đó, bạn đọc cần lựa chọn những kênh sách nói uy tín, nhất là khi chọn sách cho trẻ em, để trẻ tránh tiếp xúc với nguồn sách độc.
Mới đây, kênh “Cùng bạn đọc sách” đã được thiết lập trên mạng xã hội YouTube. Đó là món quà của ngành Thư viện và những người tâm huyết với văn hóa đọc dành cho bạn đọc trong những ngày cả nước hướng đến kỷ niệm Ngày sách Việt Nam và đang thực hiện cách ly xã hội. Đây là sáng kiến của Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với mong muốn “truyền cảm hứng, kết nối và lan tỏa tri thức”. Đặc biệt, trong những ngày đang thực hiện giãn cách xã hội, tuy không có hoạt động phục vụ tại chỗ nhưng cánh cửa thư viện luôn rộng mở, phục vụ mọi nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân, mà kênh "Cùng bạn đọc sách" là một ví dụ.
Kênh “Cùng bạn đọc sách” gồm 4 chuyên mục: “Sách hay nên đọc” để giới thiệu tác phẩm đến bạn đọc, như Gương sáng trời Nam, Chuyện những người làm nên lịch sử, Hồi ức lính, Không gục ngã, Xin hãy cho con thêm thời gian, Mưa đỏ, Mùa chinh chiến ấy... “Đọc sách cùng bạn” cung cấp các sách nói, kể chuyện sách, trong đó có phần dành riêng cho thiếu nhi như Tuổi thơ dữ dội, Dế mèn phiêu lưu ký, Cô bé quàng khăn đỏ, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Con voi xa đàn... “Góc bạn đọc” là nơi độc giả có thể chia sẻ cảm tưởng, kinh nghiệm đọc sách, lan tỏa tình yêu đọc sách... Mục “Góc dành cho người yêu văn hóa đọc” là những câu chuyện, lời thơ, tiếng hát của tất cả những ai đang âm thầm ngày đêm góp phần phát triển văn hóa đọc như các tác giả, người làm công tác thư viện, xuất bản, phát hành...
Là kênh sách nói uy tín mà ê kíp tổ chức thực hiện đều là những người tâm huyết với văn hóa đọc, không đặt lợi ích cá nhân về thu nhập hay quảng cáo, song để “Cùng bạn đọc sách” thực sự trở thành kênh yêu thích của người đọc, để tình yêu sách và đọc sách được lan tỏa tích cực, góp phần phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam thì rất cần sự đóng góp của những người tâm huyết với văn hóa đọc, đặc biệt là độc giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.