Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trải nghiệm cuộc sống nhà nông

Minh Phú| 22/02/2018 08:45

(HNM) - Dù bao lo toan nhưng nhiều người vẫn không quên dành cho mình chút thư giãn dịp cuối tuần: Về nông thôn, cùng nông dân gieo trồng, thu hoạch, trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Lợi ích


Một ngày làm nông dân


7h sáng, theo chân một đoàn khách, chúng tôi tập trung phía chân cầu Nhật Tân và được chủ một vườn dược liệu đón lên Bắc Sơn, Sóc Sơn tham quan, thử một ngày làm nông dân. Háo hức nhất là đám trẻ cùng đi với cha mẹ. Các cháu tò mò, thích thú nhìn ngắm khung cảnh làng quê hai bên đường. Vườn dược liệu của Hội Nghiên cứu trồng bảo tồn và phát triển cây dược liệu Việt Nam dần hiện ra trước mắt với vô vàn loài hoa khoe sắc. Theo chủ nhân Nguyễn Thanh Tuyền thì những người chung sức làm nên cánh đồng này đã quyết định mở tour đón khách tham quan với chủ đề “Xanh trên đất Sóc Sơn vì sức khỏe người Việt”. Tham gia tour, du khách được tìm hiểu về các loại cây thuốc trong vườn, thu hái hoa dược liệu để làm trà hoa, thưởng trà bát hoa thảo dược và các loại bánh, thạch làm từ lá, hoa dược liệu.

Vườn dược liệu Sóc Sơn có nét khác biệt. Toàn bộ cây hoa và thuốc đều trồng theo phương pháp hữu cơ, thuận theo tự nhiên. Quy mô vườn hơn 13ha, bao gồm gần 4ha trà hoa vàng, bên cạnh đó là kim ngân, râu mèo, thìa canh, hồng, cúc, sói, hoa đào… Mùa nào, hoa đó khoe sắc quanh năm.

Ngoài du khách Hà Nội, đoàn khách thăm vườn còn có gia đình chị Lê Thu Thủy đến từ TP Bắc Giang. Chị Thủy được chủ nhân vườn dược liệu hướng dẫn nấu các món ăn từ dược liệu. Mỗi món ăn nếu kết hợp khéo léo đều là bài thuốc quý. Ví như món lẩu gà đương quy tươi vừa dễ làm, vừa ngon, bổ dưỡng, hợp với tiết trời lạnh mùa đông; món thạch rau câu từ trà xanh, hoa cúc… lại rất thanh mát.

Không riêng gì vườn dược liệu ở Sóc Sơn, Hà Nội đã xuất hiện ngày một nhiều hơn các mô hình du lịch nông nghiệp. Tại Ba Vì, những ngày cuối năm 2017, làng chè Ba Trại cũng rộn ràng đón khách. Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ xã Ba Trại Bùi Ngọc Kiên cho hay: Ba Trại có những đồi chè trải rộng xanh ngắt. Cả xã có 480ha trồng chè với gần 1.000 hộ tham gia, có nhiều giống chè giá trị cao như Kim Tuyên, Ô Long… trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Khí hậu và thổ nhưỡng Ba Vì phù hợp nên chè Ba Trại cho chất lượng khá tốt.

Ông Nguyễn Quang Hùng - một hộ trồng chè ở Ba Trại giới thiệu cho du khách cách hái chè: Chỉ hái phần ngọn non, bao gồm một búp và hai lá ngay sát nách, theo ngôn ngữ và kinh nghiệm của người dân thì là “một tép, hai tôm”. Tiếp đến là các công đoạn “luộc”, “vò”, “sao”, “đánh mốc”… Một tách trà nóng, ngọt chát phải trải qua rất nhiều công đoạn. Điều này khiến du khách tò mò, thích thú…

Theo Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Đức Dần, nhận thức được lợi thế, địa phương đã phối hợp với các công ty lữ hành khảo sát, bắt tay làm du lịch. “Chúng tôi chọn những hộ trồng chè tiêu biểu tham gia làm điểm. Các gia đình sắm gùi, sửa sang nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, bố trí chỗ sao chè phù hợp. Xã "hỗ trợ" giao thông trong khu trồng chè bảo đảm sạch sẽ, có bãi đỗ xe, an ninh trật tự tốt… Hiện, những vườn chè VietGAP tại Ba Trại không chỉ cung cấp sản phẩm sạch mà còn trở thành điểm du lịch mới lạ, hấp dẫn.

Một hướng sinh kế bền vững


Du lịch nông nghiệp trên thế giới rất được coi trọng vì đã chứng minh được hiệu quả. Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phan Huy Cường nhận định: Với tổng diện tích đất tự nhiên 332.889ha, trong đó hơn 50% là đất nông nghiệp, cùng hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề... xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp là cách làm phù hợp để phát triển kinh tế nông thôn bền vững, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân bản địa cũng như đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đời sống nhà nông của du khách...

Hiện, Công ty TNHH Du lịch Tâm Long đang phối hợp với xã Ba Trại tổ chức các chuyến đưa du khách tham quan làng chè. Trưởng phòng Điều hành Trịnh Văn Dũng cho biết: Khách hàng chủ yếu là giáo viên, học sinh, sinh viên các trường nội thành. "Khi mở tour này, chúng tôi đã tìm hiểu rất nhiều nơi và lựa chọn xã Ba Trại. Từ làng chè Ba Trại di chuyển đến các điểm khác như Khu di tích lịch sử K9, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đều thuận lợi, tạo thành chuỗi du lịch khép kín trong ngày... Bắt đầu khai thác du lịch từ năm 2017, "điểm đến" Ba Trại đã nhận được sự đánh giá cao. Năm 2018, Công ty TNHH Du lịch Tâm Long sẽ tiếp tục phối hợp với các xã khác trên địa bàn huyện Ba Vì (trước mắt là xã Ba Vì của huyện) mở tour đưa khách đến thăm làng nghề làm thuốc Nam của người Dao...

Tuy nhiên, so với lợi thế và tài nguyên trên địa bàn thành phố thì sự phát triển của du lịch nông nghiệp vẫn chưa tương xứng. Bà Nguyễn Thanh Tuyền cho hay: Việc đón khách đến thăm vườn còn chưa bài bản. Nông dân rất cần sự "cộng hưởng" của các hãng lữ hành và nhiều phía tham gia. Ví như, cộng đồng dân cư sẽ góp phần tạo cảnh quan chung, làm cho tuyến du lịch thêm ấn tượng; hay đầu tư, nâng cấp các tuyến đường sạch, đẹp...

Khai thác tiềm năng và biến du lịch nông nghiệp trở thành một hướng sinh kế bền vững, rất cần cái "bắt tay" chặt hơn của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch và người nông dân. Những "phản hồi" của du khách sau khi trải nghiệm những mô hình du lịch nông nghiệp trên rõ ràng là rất tích cực.

Theo Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố xác định phát triển du lịch nông nghiệp tại vùng ngoại thành là tạo điểm nhấn đặc sắc trong các sản phẩm du lịch. Hiện trên địa bàn đang hình thành các tuyến du lịch nông nghiệp như: Tuyến Ba Vì - Sơn Tây với các sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái núi Ba Vì, Làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; tuyến Phúc Thọ - Thạch Thất - Quốc Oai - Chương Mỹ có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là trồng cây ăn quả, hoa cảnh; tuyến Mê Linh - Sóc Sơn trồng chè, hoa cảnh kết hợp với cụm du lịch tâm linh Đền Sóc; tuyến Đông Anh kết hợp du lịch nông nghiệp chất lượng cao với cụm du lịch Vân Trì - Khu di tích Cổ Loa...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trải nghiệm cuộc sống nhà nông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.