Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm với môi trường và xã hội

Phương Nhi| 09/05/2016 12:16

(HNM) - Nhiều quốc gia đã và đang lựa chọn kinh tế xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn khí hậu, môi trường đang tiếp diễn phức tạp.

Đổi mới công nghệ là giải pháp quan trọng bảo đảm kiểm soát ô nhiễm từ nguồn.Ảnh: Nhật Nam


Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Nhãn sinh thái hay còn gọi là nhãn xanh đang được kỳ vọng là công cụ để nhà sản xuất khẳng định trách nhiệm của mình với môi trường và xã hội. Tuy nhiên, hiện tại chưa nhiều doanh nghiệp (DN) hào hứng tham gia mặc dù lợi ích mang lại cho nhiều phía là rất rõ ràng.
Vì sao chưa nhiều doanh nghiệp hưởng ứng?

Thực tế, chương trình nhãn sinh thái tại Việt Nam được triển khai từ năm 2009, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đến nay vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Môi trường), vì đây là tiêu chí không bắt buộc nên phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của DN. Theo Nghị định số 04/2009/NĐ-CP của Chính phủ, các DN có sản phẩm đủ điều kiện để dán nhãn xanh được hưởng những ưu đãi như ưu tiên phục vụ mua sắm công, miễn thuế xuất khẩu, ưu đãi thuế thu nhập, hỗ trợ giá, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng cho đến nay, chưa DN nào nhận được sự hỗ trợ này nên cũng khó thu hút các đơn vị khác tham gia.

TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam bày tỏ: "Việc chương trình nhãn sinh thái chưa nhận được sự hưởng ứng của DN là do việc thực hiện còn "nửa vời". Chúng ta phát động phong trào, đưa ra chính sách, nhưng chưa có tổng kết, điều tra thực tiễn để xem xét chính sách có khuyến khích DN hay không và cần thay đổi gì để thúc đẩy sự tham gia của các đơn vị khác". Lý giải về điều này, bà Hà cho biết: "Chương trình dán nhãn xanh hoàn toàn miễn phí, nhưng kinh phí nhà nước chỉ cấp thời gian ban đầu nên sau này việc triển khai còn chậm. Thời gian tới, cần có nguồn kinh phí ổn định để duy trì hoạt động truyền thông cũng như xây dựng tiêu chí các nhóm sản phẩm dán nhãn xanh".

Mặt khác, ở nước ta hiện nay, các DN chủ yếu là nhỏ và vừa, có nhiều khó khăn về tài chính, nguồn lực cũng như công nghệ, nên kinh phí dành cho môi trường trong các sản phẩm rất thấp. Trong khi đó, để được dán nhãn xanh cho sản phẩm, DN phải đầu tư thêm 20% chi phí cho hàng hóa nên DN chưa mặn mà. Theo thống kê, từ năm 2011, sau khi có hai sản phẩm đạt tiêu chí nhãn xanh Việt Nam, đến nay chỉ có 4 DN đăng ký dán nhãn xanh cho 53 loại sản phẩm...

Lợi cho nhiều phía

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, sản phẩm được cấp nhãn sinh thái là sản phẩm thân thiện với môi trường. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi sản phẩm của cơ sở được gắn nhãn xanh Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, cũng có nghĩa là cơ sở sẽ được hưởng những ưu đãi theo quy định của pháp luật. Rõ ràng, nhãn sinh thái không chỉ đem lại lợi ích cho nhà sản xuất mà người tiêu dùng cũng được hưởng. Cái lợi lớn nhất của người tiêu dùng là sức khỏe được bảo đảm, nguy cơ mắc những bệnh liên quan đến các sản phẩm mà họ sử dụng được loại bỏ, do những sản phẩm thân thiện với môi trường có tiêu chí khắt khe để loại trừ tối đa những tác động có hại đến sức khỏe con người và môi trường. Đồng thời, khi sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, người tiêu dùng đã gián tiếp tham gia bảo vệ môi trường.

Như vậy, đã đến lúc cần phải có chiến lược để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng DN vào chương trình này. Theo TS Nguyễn Đình Hòe, để làm được việc này, DN phải thay đổi nhận thức. Họ phải thấy rằng sẽ mất thị phần, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, nếu không bắt kịp, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm thân thiện với môi trường. TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh: "Một trong những lợi ích mà nhãn xanh mang lại là sản phẩm sẽ tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý và đối tác kinh doanh. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, nhãn sinh thái càng có ý nghĩa khi chúng ta tham gia vào các hiệp định như TPP, FTA...". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm với môi trường và xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.