Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm trước cử tri

Hoàng Thu Vân| 29/03/2011 06:37

(HNM) - Hôm qua (28-3), tại hội trường, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội (QH) nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).


Nhìn chung, ý kiến của các ĐBQH cho rằng, QH hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn hành động. Tuy nhiên, những hạn chế về tổ chức, hoạt động và phương thức, lề lối làm việc của QH trong nhiệm kỳ qua đã được phân tích và chỉ rõ. Trong đó, nổi lên một vấn đề đáng quan tâm là hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát và kết quả xem xét, giải quyết các kiến nghị của cử tri, của các ĐBQH sau giám sát...

ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Đó là trách nhiệm của các ĐBQH trước cử tri. Về hoạt động giám sát, chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, toàn diện, có tác động mạnh mẽ, nhiều chiều, giúp cho QH thực hiện tốt chức năng này. Trong những kỳ họp của QH, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã được cải tiến về nội dung, cách thức tiến hành, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn đã bám sát các nội dung, vấn đề "nóng" đang được dư luận xã hội và cử tri quan tâm. Hiệu quả của việc chất vấn từng vấn đề đã giúp cho Chính phủ nhìn nhận, đánh giá sát thực các tập hợp lợi ích trong xã hội để từ đó đưa ra các quyết sách tương ứng phù hợp. Vì thế, hơn bao giờ hết, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại những kỳ họp QH trong nhiệm kỳ vừa qua ngày càng thu hút sự chú ý đặc biệt của đông đảo cử tri cả nước.

Để tạo ra chất lượng của những phiên chất vấn, các ĐBQH phải chuyển tải được tới diễn đàn QH tiếng nói đích thực của cử tri, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Muốn vậy, các ĐBQH phải gần dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, hòa cùng nhịp sống với người dân, đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Và chính các cử tri sẽ giám sát ngược lại hoạt động của những người do mình bầu ra, từ đó đánh giá năng lực cụ thể của từng ĐBQH.

Không phải toàn bộ hoạt động giám sát của các ĐBQH trong nhiệm kỳ vừa qua đã đáp ứng được nhu cầu và sự mong mỏi của người dân. Song phải nhìn nhận, chất lượng của các đại biểu dân cử đã có những chuyển biến khá rõ nét. Bên cạnh đó cũng còn tồn tại một số hạn chế như: Nhiều quy định của Luật Hoạt động giám sát còn thiếu cụ thể hoặc chưa thật phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn kịp thời; cơ chế tiếp thu những kết luận, giải quyết các kiến nghị sau giám sát; công tác bảo đảm cho việc thực hiện hoạt động giám sát của các ĐBQH cũng còn một số bất cập; thiếu cơ chế hỗ trợ về mặt chuyên môn, bộ máy giúp việc khi tiến hành giám sát...

Với tinh thần cởi mở, dân chủ, tiếp tục đổi mới trong tư duy và hành động thực tiễn để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công cuộc phát triển KT-XH đất nước theo hướng bền vững, tin chắc rằng, cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những người đại diện cho quyền và lợi ích của mình tại diễn đàn Quốc hội khóa XIII. Mặt khác, những bất cập tồn tại nêu trên cần được nhanh chóng khắc phục để các ĐBQH có thể phát huy cao nhất trách nhiệm trước cử tri trong hoạt động giám sát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm trước cử tri

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.