(HNM) - Tuyến quốc lộ (QL) 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đều có chiều dài hơn 100km nhưng có tới 12 doanh nghiệp (DN) tham gia khai thác vận tải hành khách liên tỉnh (10 DN của Hải Phòng và 2 DN của Hà Nội) với khoảng 250 xe, tần suất hoạt động trên 370 chuyến/ngày.
Số lượng xe nhiều, trong khi hệ số khai thác sử dụng thực tế không quá 50%, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu; biểu đồ hoạt động của nhiều xe xuất phát tại các bến khác nhau có sự trùng lặp về luồng, tuyến trong cùng một khoảng thời gian dẫn đến việc tranh giành khách và ùn tắc giao thông; công tác quản lý, điều hành của một số DN vận tải không theo mô hình quản lý tập trung, thậm chí bị buông lỏng, "khoán trắng" trong hoạt động, chạy theo lợi nhuận...
Chính vì thế, nhiều năm qua, tuyến vận tải khách này đã trở thành "điểm nóng" về mất an ninh trật tự, ATGT, xuất hiện hoạt động băng nhóm "bảo kê", đe dọa thậm chí cố ý gây thương tích cho các lái xe, phụ xe của DN vận tải "đối thủ", tạo dư luận xấu trong xã hội... Các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành bàn giải pháp; tổ chức nhiều đợt ra quân chấn chỉnh nhưng rồi đâu lại vào đấy...
Trước tình hình đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, ATGT trên 2 tuyến này. Trong đó, đặc biệt yêu cầu Bộ GT-VT tổ chức rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết tuyến VTHK cố định bằng xe ô tô giữa Hà Nội và Hải Phòng. Trong thời gian chưa công bố phương án điều chỉnh quy hoạch, chỉ đạo tạm dừng cấp phép đối với phương tiện đăng ký mới hoặc bổ sung giữa tất cả các bến xe trên địa bàn Hà Nội và Hải Phòng. Giao Bộ Công an rà soát, kịp thời phát hiện các băng nhóm có dấu hiệu "bảo kê"; mở đợt cao điểm về tấn công trấn áp tội phạm tại các bến xe và dọc tuyến QL5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là quyết liệt, kịp thời nhằm ổn định lại hoạt động VTHK, qua đó bảo đảm an toàn cho hành khách và cạnh tranh bình đẳng giữa các DN vận tải. Tuy nhiên, qua đây có thể thấy vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các lực lượng chức năng trên tuyến còn mờ nhạt. VTHK là loại hình kinh doanh có điều kiện, các DN vận tải phải tuân thủ các điều kiện đã được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan chức năng cứ căn cứ luật mà làm, chứ tuyến nào cũng trở thành điểm "nóng" và để Thủ tướng phải chỉ đạo thì rõ ràng phải xem lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý và thực thi công vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.