Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm không của riêng ai

Hồng Sơn| 13/06/2013 06:39

(HNM) - Xây dựng và phát triển thương hiệu (TH) vùng miền và định vị tầm quan trọng của TH trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia (THQG) là chủ đề chính của


Đạt THQG, doanh nghiệp như "hổ thêm cánh"


Các chuyên gia khuyến nghị, cần xây dựng TH vùng miền từ những hình ảnh đặc trưng, trong đó tập trung vào lợi thế riêng của mỗi vùng miền, rồi đến từng địa phương. Đơn cử, các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nên làm TH thông qua hình ảnh đồng lúa để biểu thị sức mạnh của nơi sản xuất lúa gạo chủ yếu của cả nước; cũng là ngầm ý khoe vị thế xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới của Việt Nam. Trong khi đó, vùng ven biển miền Trung như Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận… lại nên "khoe" hình ảnh chung về tiềm năng hải sản kết hợp với du lịch biển độc đáo với những bãi cát dài và hàng dừa nghiêng nghiêng vươn ra biển. Song, để sáng tạo TH cho một tỉnh cụ thể thì lại cần đến sự chi tiết, kỹ tính hơn, như tỉnh Quảng Ngãi nên tập trung quảng bá ngành khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương để dễ bề tác động mạnh mẽ đến đối tác quốc tế…

Là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu mạnh như gạo của Thái Lan, Pakistan. Ảnh: Chí Lâm



Năm 2012, cả nước đã có 54 DN được vinh dự nhận danh hiệu THQG, thuộc một số lĩnh vực như vật liệu xây dựng, thương mại, ngân hàng, sản xuất hàng tiêu dùng, hóa chất, bất động sản… Đây là những hạt giống quan trọng, có thể cổ vũ cho cộng đồng DN Việt cũng như trực tiếp khẳng định giá trị, uy tín của hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Từ đó, các chuyên gia cho rằng, cần phổ biến rộng rãi những thành công trong xây dựng, quản trị thương hiệu của các đơn vị này, đúc rút bài học kinh nghiệm của cả quá trình để nhân trên diện rộng. Phải quyết tâm để ngành nào, địa phương nào cũng có thêm nhiều DN được nhận THQG để trở thành phong trào rộng khắp, góp phần động viên DN trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh xác nhận, một khi được nhận danh hiệu THQG, DN sẽ có thêm nhiều quyền lợi, thế mạnh mới. Đó là được quảng bá hình ảnh về năng lực, chất lượng sản phẩm của mình với nhãn hiệu THQG của Việt Nam với bạn hàng. Đây cũng là "tấm giấy thông hành" đặc biệt thể hiện uy tín của sản phẩm đẳng cấp quốc gia nên rất ấn tượng với khách hàng quốc tế. Từ năm 2008, khi được nhận danh hiệu THQG đến nay, doanh thu của công ty đã tăng 2,3 lần. Đại diện một số DN khác cũng cho rằng, để đạt được danh hiệu tuy khó khăn, nhưng khi đã thành công thì DN được hưởng lợi rất nhiều.

Trách nhiệm của mỗi đơn vị

Tuy nhiên, quá trình xây dựng TH, nhất là bảo vệ thương hiệu của cộng đồng DN Việt cũng đang bộc lộ một số điểm yếu cần khắc phục để phát triển bền vững trong thời gian tới. Đó là tình trạng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của TH, thiếu đầu tư thỏa đáng để sáng tạo biểu trưng TH "đến nơi đến chốn", chưa kết hợp đồng bộ giữa việc xây dựng và bảo vệ TH, có trường hợp bị DN nước ngoài chiếm dụng TH… Bản thân đại diện các DN cũng tự thừa nhận mặc dù là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng TH gạo Việt Nam chưa được xác định xứng tầm, khiến giá bán gạo trên thị trường quốc tế thấp hơn gạo của nước khác.

Nét mới của diễn đàn năm nay là việc tuyên truyền về thương hiệu biển Việt Nam, với thông điệp Việt Nam là quốc gia có biển, sẽ làm giàu từ biển; phấn đấu đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP và hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Vấn đề đặt ra là làm sao khai thác, tận dụng tài nguyên tổng hợp từ biển hợp lý, hiệu quả với một số ngành chủ đạo gồm dầu khí, đánh bắt và chế biến hải sản, du lịch - nghỉ dưỡng, vận tải biển… Từ đó, các tỉnh, thành phố ven biển cần xác định rõ mục tiêu cụ thể, kêu gọi DN trên địa bàn vươn lên làm giàu từ biển, đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Những thương hiệu của sản phẩm và DN Việt nói chung, bao gồm cả TH vùng miền cũng như TH biển thực chất là nhân tố cấu thành, góp sức tạo nên THQG, thúc đẩy và tôn vinh THQG trên thương trường quốc tế. Từng thương hiệu mạnh sẽ tạo nên một THQG mạnh. Vì vậy, THQG được coi như "mái nhà chung", đòi hỏi sự hợp tác, đồng thuận vào cuộc từ cấp chỉ đạo vĩ mô đến chính quyền các địa phương cũng như sự gắng gỏi của từng DN. Những đơn vị được nhận danh hiệu THQG cần nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nhất là nguyên tắc bắt buộc phải xứng đáng với danh hiệu cao quý đó. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, danh hiệu THQG không có giá trị mãi mãi và được ban tổ chức đánh giá lại 2 năm/lần. Sự sàng lọc khắt khe đó nhằm bầu chọn thêm DN mới cũng như có thể đưa những đơn vị không giữ được uy tín ra khỏi danh sách đầy ý nghĩa này. Như vậy, mỗi đơn vị phải luôn tự nâng cao ý thức, phấn đấu và sáng tạo không ngừng để phát triển đồng thời tiếp tục xứng đáng với danh hiệu THQG. Bộ Công thương chủ trương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích DN làm tốt công tác xây dựng TH cũng như kêu gọi sự ủng hộ của cả xã hội.

Chính phủ và các ngành chức năng luôn đồng hành, hỗ trợ DN trong xây dựng TH nhằm củng cố, nâng cao giá trị của THQG, của DN cũng như từng sản phẩm Việt Nam. Song, xét đến cùng thì đây vẫn là mục tiêu và trách nhiệm cao nhất, gắn liền với quá trình hình thành, hoạt động của các DN…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm không của riêng ai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.