Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm không của riêng ai!

Nữ Quỳnh| 24/03/2012 05:44

(HNM) - Nhất Đông Nam Á là "danh hiệu ngược" mà một công ty trong lĩnh vực môi trường của Pháp dành cho Hà Nội khi đánh giá Thủ đô của chúng ta là thành phố ô nhiễm nhất trong khu vực và trong tốp đầu của thế giới, ngang hàng với Delhi (Ấn Độ) và Karachi (Pakistan).

Thông tin trên được đưa ra tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra trong tuần tại Hà Nội. Số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường cũng khẳng định, ô nhiễm tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép, hàm lượng bụi cao hơn 1-2 lần tiêu chuẩn. Đặc biệt, tại các công trường xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5-6 lần tiêu chuẩn. Tại nhiều tuyến giao thông như Kim Liên, Giải Phóng (quận Đống Đa), Phùng Hưng (quận Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)… những khu vực đông dân cư, nồng độ bụi thường cao hơn mức cho phép, có khi gấp 7 lần. Nguồn gây ô nhiễm chính là hoạt động giao thông với 70% tỷ lệ đóng góp ô nhiễm không khí. Hà Nội hiện có khoảng 4 triệu phương tiện giao thông và hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải CO, 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, là các độc tố làm giảm trí nhớ, khả năng nhận thức, phối hợp động tác giữa mắt và tay, gia tăng tỷ lệ ung thư.

Sự thật thì chẳng cần đợi đến một cuộc hội thảo người dân sống tại Thủ đô mới được nghe đến những thông tin này. Hằng ngày khi bước chân ra khỏi nhà, hòa vào dòng người trên đường, hẳn mỗi người dân Hà Nội đều có thể cảm nhận, hay nói đúng hơn là chịu đựng sự bụi bặm, ô nhiễm khói, bụi.

Dĩ nhiên ô nhiễm đã đến mức báo động thì cũng là lúc con người cần hành động. Hà Nội hiện đang ráo riết triển khai các biện pháp giảm thiểu lượng phương tiện cá nhân lưu hành, như một cách tích cực giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông. Song ở khía cạnh môi trường đây cũng là giải pháp trực tiếp và hiệu quả. Tuy nhiên, việc giảm phương tiện cá nhân cũng chỉ là một phần của câu chuyện. Thực tế, Hà Nội còn thiếu rất nhiều phương tiện giao thông công cộng sạch. Những phương tiện hiện có thì lại đang là nguồn gây ô nhiễm khá nặng, ví dụ như xe buýt hiện đang là phương tiện phát thải CO2 rất lớn. Sâu xa hơn là những nguồn cung cấp nhiên liệu, chất đốt chưa được kiểm soát tốt, các công trường xây dựng hoạt động không ngừng đã đóng góp một lượng khói, bụi độc hại đáng kể. Ngoài ra, ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn rất kém cũng là nhân tố đóng góp "tích cực" vào kết quả "xếp hạng" nói trên của Hà Nội.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, nồng độ phát thải bụi mỗi năm tại Hà Nội có thể đạt 200mg/m3 vào năm 2020, gấp 10 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người mắc bệnh do ô nhiễm không khí sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.

Được biết, tháng 11-2011, TP Hà Nội đã quyết định chi 3,3 tỷ đồng cho việc lập dự án quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên quy hoạch hay quan trắc thì cũng chỉ là những giải pháp quản lý ở tầm vĩ mô. Việc ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng môi trường sống, nâng cao hiệu quả quản lý môi trường đã đặt ra cấp thiết, không chỉ là trách nhiệm của riêng các cấp quản lý mà còn phụ thuộc vào hành vi ứng xử của từng doanh nghiệp, từng cá nhân. Chừng nào mỗi người còn thờ ơ thì ngày ấy môi trường sống của thành phố chúng ta còn bị ô nhiễm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm không của riêng ai!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.