Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của mỗi người cầm bút

Hà An| 07/08/2016 06:43

(HNM) - Văn học trong thực tiễn đời sống và dưới ngòi bút của các nhà lý luận, từ xa xưa đến nay chưa bao giờ rời xa hai tiếng Con người. Là tiếng nói cất lên từ sâu thẳm những vang động tâm tư của mọi số phận mà cũng chính là nơi trú ngụ, nuôi dưỡng, hình thành nhân tính - văn học thực sự sinh ra từ Con người và vì Con người. Cũng vì lẽ ấy, văn học đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể tách rời của văn hóa.

Sự kiện chuẩn bị Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ XII - nơi tập trung hơn 600 cây bút đang sống, làm việc và sáng tạo từ mảnh đất nghìn năm, khiến ta không thể không liên tưởng và tự vấn rằng: Nhà văn Hà Nội đã, đang và sẽ góp phần xây dựng văn hóa và con người Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới như thế nào? Một cách thẳng thắn, hoạt động của Hội Nhà văn Hà Nội nói riêng, sự sáng tạo của đội ngũ nhà văn ở Thủ đô nói chung thời gian qua đã có không ít chuyển động tích cực. Bên cạnh những nhà lý luận phê bình, nhà văn cao niên đã xuất hiện những cây bút thế hệ 8X, 9X hoàn toàn mới mẻ. Nhiều gương mặt thế hệ 7X tuy không mới nhưng lại hết sức bền bỉ, thậm chí gây bất ngờ với tác phẩm mới của mình. Đặc biệt, thế hệ nhà văn từng trải qua chiến tranh chống Mỹ vẫn âm thầm trăn trở, sáng tạo trước những đổi thay, va đập của Hà Nội hôm qua và hôm nay...

Tuy nhiên, Hội Nhà văn Hà Nội - mái nhà chung của lực lượng sáng tác Thủ đô và bản thân các nhà văn đang sống, viết trên mảnh đất nghìn năm văn hiến này đều hiểu rõ, muốn xây dựng văn hóa và con người thì văn học phải có tác phẩm giá trị, nhà văn phải thực sự thấu hiểu cuộc sống, thấu hiểu con người, nhất là một cuộc sống với hiện thực nhiều bộn bề phức tạp, một hiện thực nảy sinh không ít nhân tố mới trên chặng đường đi lên của Hà Nội và cả nước hôm nay.

Vì lẽ đó, trước hết bản thân nhà văn với sứ mệnh thiêng liêng, tự thân của người cầm bút không thể chờn vờn, đứng ngoài cuộc sống mà phải dấn thân để chắt lọc hiện thực, chuyển hóa cuộc sống và hình thành hệ giá trị thẩm mỹ mới. Từ đó mà sáng tạo ra những tác phẩm có sức lay động, hướng thiện, góp phần xây dựng văn hóa con người Thủ đô trước những thách thức và yêu cầu của thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thành phố, Hội Nhà văn Hà Nội, các sở, ngành và các địa phương có vai trò to lớn trong việc tạo dựng bầu không khí cởi mở cho sáng tạo, cổ vũ nhà văn cùng thực hiện nhiệm vụ chung này - nhiệm vụ có ý nghĩa to lớn với sự phát triển bền vững của đất nước. Đó chính là tiếp nối các hoạt động đã được thành phố tổ chức, ủng hộ nhằm tạo ra "mảnh đất" đầy sức sống nuôi dưỡng, hỗ trợ phát triển văn hóa đọc như: Phố sách xuân, hội sách hè thiếu nhi, hội sách Hà Nội… qua đó cổ vũ một xã hội học tập, một xã hội lấy việc đọc sách làm trọng. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để nhà văn thâm nhập thực tế, duy trì và giữ gìn uy tín giải thưởng mà Hội Nhà văn Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều năm qua…

Bạn đọc Thủ đô và cả nước đang mong chờ không chỉ Hội Nhà văn Hà Nội, mà rộng hơn là tất cả những người cầm bút, những tấm lòng yêu Hà Nội sẽ hết lòng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng văn hóa và con người Thủ đô. Đây là trách nhiệm của mỗi người cầm bút và cũng là một phần máu thịt, nằm trong tâm nguyện chung về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” như tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) mà Đảng ta đã đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của mỗi người cầm bút

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.