Trong bài trắc nghiệm IQ thường có phần về logic nói chung và logic toán nói riêng. Đây là một trong những phần quan trọng nhất vì logic là một trong những thuộc tính quan trọng của tư duy.
Câu hỏi IQ về logic rất đa dạng, có thể là câu hỏi về ý nghĩa của từ ngữ, thuộc tính của những sự vật, hiện tượng trong tự nhiên. Câu hỏi IQ về logic toán cũng đa dạng, có thể hỏi về những kiến thức như tính chia hết của số tự nhiên, quy luật của dãy, suy luận đúng - sai... Sau đây là một số ví dụ.
Câu 1. Số nào trong dãy khác loại với những số còn lại:
a) 2, 7, 9, 15, 21? Đáp số: 2. (Trong dãy thì 2 là số chẵn duy nhất).
b) 2, 3, 5, 7, 8, 13? Đáp số: 8. (Trong dãy có 8 là số có 3 ước số, những số còn lại chỉ có 2 ước số. Những số lớn hơn 1 và chỉ có hai ước số như 2, 3, 5, 7 được gọi là
số nguyên tố, những số lớn hơn 1 không phải là số nguyên tố như 8, 4, 6, 9... được gọi là hợp số.
c) 2, 6, 10, 14, 18, 20, 22, 26. Đáp số: 20. (Mỗi số trong dãy bằng tổng của số trước nó cộng với 4).
d) 1, 4, 9, 16, 24, 36, 49. Đáp số: 24. (Mỗi số còn lại đều bằng tích của hai số bằng nhau).
Câu 2. Số nào tiếp theo của dãy:
a) 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21. Đáp số: 34. (Từ số thứ ba, mỗi số bằng tổng hai số trước nó).
b) 16, 32, 24, 28, 26. Đáp số: 27. (Từ số thứ ba, mỗi số là trung bình cộng của hai số trước nó).
c) 1, 2, 4, 7, 11, 16, 22, 29. Đáp số: 37. (Hiệu của số sau với số đứng ngay trước nó là số tự nhiên tăng dần: 2 - 1 = 1, 4 - 2 = 2, 7 - 4 = 3, 11 - 7 = 4, 16 - 11 = 5, 22 - 16 = 6, 29 - 22 = 7, 37 - 29 = 8).
d) 2, 5, 10, 17, 26, 37, 50, 65. Đáp số: 82. (Mỗi số trong dãy trừ đi 1 là tích của hai số tự nhiên bằng nhau tăng dần: 2 - 1 = 1 x 1, 5 - 1 = 2 x 2, 10 - 1 = 3 x 3... 82 - 1 = 9 x 9).
Câu 3. Quan sát ba dãy số A, B, C sau có các số theo thứ tự thuộc dãy là: 1 (A), 2 (B), 3 (C), 4 (C), 5 (B), 6 (A), 7 (A), 8 (B), 9 (C), 10 (C), 11 (B), 12 (A), 13 (A)... Hỏi số 2013 thuộc dãy nào?
Giải. Một cặp 6 số liên tiếp 1, 2, 3, 4, 5, 6 chia 6 dư 1, 2, 3, 4, 5, 0 được lặp lại trong dãy theo thứ tự A, B, C, C, B, A (số chia hết cho 6 thì số dư là 0). Vì 2013 chia 6 dư 3 nên 2013 thuộc dãy C.
Câu 4. Quan sát tháp số sau: hàng một có số 2, 2; hàng hai có số 3, 4, 3; hàng bốn có số 4, 7, 7, 4; hàng năm có số 5, 11, 14, 11, 5; hàng sáu có số 6, 16, 25, 25, 16, 6. Hãy viết tiếp hàng bảy.
Giải. Đầu và cuối mỗi hàng là số tự nhiên tăng dần 2, 3, 4, 5, 6. Tổng hai số liền nhau của hàng trên ra số ở hàng dưới: hàng hai 2 + 2 = 4, hàng ba 3 + 4 = 7, hàng bốn 4 + 7 = 11, 7 + 7 = 14, hàng năm 5 + 11 = 16, 11 + 14 = 25, hàng sáu 6 + 16 = 22, 16 + 25 = 41, 25 + 25 = 50. Đáp số: 7, 22, 41, 50, 41, 22, 7.
Câu 5. Biết x > y, hãy xem trong những khẳng định sau, khẳng định nào không logic:
a) x + 2 > y + 2. b) x + 3 > y + 1. c) x chia hết cho y.
Đáp số: c). (Chẳng hạn x = 3, y = 2).
Kết quả kỳ trước. Hai dãy độc lập xen kẽ nhau, dãy thứ nhất là các số tăng dần 4 đơn vị: 1, 5, 9, 13, 17; dãy thứ hai là các số giảm dần 5 đơn vị: 100, 95, 90, 85, 80. Vậy hai số tiếp theo của dãy 1, 100, 5, 95, 9, 90, 13, 85, 17, 80 là 21, 75.
Kỳ này. Tìm số tiếp theo của dãy số: 3, 8, 15, 24, 35, 48, 63, 80. Câu trả lời gửi về chuyên mục "Toán học, học mà chơi", Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.