Sức khỏe

Trả giá đắt khi chữa bệnh phản khoa học

Thu Trang 24/07/2023 - 07:09

Dùng dao lam rạch vào cơ thể để thải máu độc, dùng ong châm điều trị giảm đau hay dùng kim chọc vào các đầu ngón tay và tai chữa đột quỵ… là những thủ thuật chữa bệnh phản khoa học.

khi-co-benh-nguoi-dan-nen-d.jpg
Khi có bệnh người dân nên đến khám và điều trị tại cơ sở y tế để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Thế nhưng, không ít người dân vẫn tin và làm theo. Hậu quả là thời gian gần đây, tại các bệnh viện liên tục tiếp nhận trường hợp bị tai biến nghiêm trọng, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng sau khi áp dụng biện pháp chữa bệnh nêu trên.

Những câu chuyện đau lòng

Tới đây, các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận bé trai 10 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, ngộ độc thuốc. Trước khi vào viện 8 ngày, bé bị ho, sốt, chân tay lạnh, khó thở, mệt. Thấy vậy, gia đình đã ra chợ mua một cây thuốc khô không rõ nguồn gốc về cắt nhỏ sắc cho trẻ uống. Đồng thời, cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ trên người để thải độc. Khi thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm, gia đình mới cho đi bệnh viện tuyến huyện, sau đó đến bệnh viện tuyến tỉnh và được chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ không đáp ứng điều trị và tử vong sau một ngày nằm viện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, dùng dao lam nặn (hoặc rạch) lấy máu để chữa bệnh là phương pháp hoàn toàn không có tính khoa học. Phương pháp này vừa không mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh, vừa làm nguy hiểm tính mạng của trẻ do mất máu, hàng rào vi khuẩn tự nhiên của cơ thể bị phá hỏng. Từ đó, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào cơ thể gây nhiễm trùng máu. Không chỉ vậy, hành động này còn khiến trì hoãn việc đưa trẻ đến bệnh viện, làm mất đi “thời gian vàng” để điều trị bệnh, cứu sống trẻ.

Tương tự, khi thấy ông D. (66 tuổi ở Phú Thọ) có dấu hiệu bị đột quỵ, gia đình đã bôi nước gừng, lấy kim chọc các đầu ngón tay và tai để nặn máu độc với hy vọng bệnh sẽ ổn hơn. Thế nhưng, tình trạng của bệnh nhân càng nặng hơn. Sau đó, người đàn ông này được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu. Tại đây, bác sĩ Trần Văn Kiên, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não, nhập viện muộn và xử trí sai cách dẫn đến nguy kịch. Các bác sĩ đã hội chẩn trực tuyến cùng chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai. May mắn, bệnh nhân đã được cứu sống nhưng cần tiếp tục theo dõi để tránh biến chứng.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, trường hợp như người đàn ông này không phải hiếm gặp tại các bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Phương Trang, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cảnh báo, có thông tin lan truyền về việc chích lấy máu ở các ngón tay, chân của người đột quỵ, sau đó nặn máu ra, chờ vài phút thì người bệnh sẽ tỉnh lại. Hay sơ cứu đột quỵ bằng cách châm vào hai bên dái tai, cho đến khi máu nhỏ giọt. Đây là những cách làm không được kiểm chứng khoa học mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy như bỏ qua “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ, nhiễm trùng tại vị trí chích máu, không thể cầm máu nếu người bệnh bị rối loạn đông máu...

Cũng phải nhập viện vì chữa bệnh bằng phương pháp thiếu cơ sở khoa học, bệnh nhân N.T.H (49 tuổi ở huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, do bị đái tháo đường đa biến chứng, thoái hóa cột sống đi lại khó khăn nên gia đình đã mời thầy lang đến điều trị giảm đau bằng phương pháp ong châm. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không thuyên giảm. Thậm chí, bệnh nhân còn cảm thấy mệt mỏi, khó thở nên đã đến Bệnh viện Nội tiết trung ương khám. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị đái tháo đường biến chứng, nhiễm trùng da với nhiều vết mưng mủ vùng bụng và hai chân do ong châm.

Tránh chữa bệnh theo mách bảo, lời đồn

“Có bệnh thì vái tứ phương” là tâm lý chung của mọi người bệnh. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong thời buổi bùng nổ thông tin ít được kiểm chứng, nếu người bệnh nghe theo những lời mách bảo, kinh nghiệm truyền miệng hay tìm đến những thầy lang không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ hành nghề mà chữa bệnh thì vô cùng nguy hiểm. “Với sự phát triển của y học hiện đại, người dân khi có những biểu hiện bất thường về sức khỏe nên đến cơ sở y tế hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia để được thăm khám, tư vấn và điều trị.

Đặc biệt, người dân không tự ý dùng thuốc, phải sử dụng loại thuốc có nguồn gốc rõ ràng, được chứng minh bằng khoa học về tác dụng. Tuyệt đối không dùng thuốc của thầy lang không rõ nguồn gốc để tránh những nguy cơ, rủi ro về sức khỏe, tính mạng”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.

Đề cập đến phương pháp chích máu độc thường được nhiều người truyền tai nhau để trị bệnh, bác sĩ Đặng Thành Long, Bệnh viện Châm cứu trung ương cho hay, đây là phương pháp có nhiều nguy cơ nên không thể tùy tiện sử dụng, đặc biệt ở ngoài các cơ sở y tế. Nguyên nhân khi sử dụng kim chích vào da, tức là tác động có xâm lấn, nếu không được sát khuẩn kỹ thì dễ dàng xảy ra nguy cơ lây truyền chéo các bệnh về da liễu, bệnh truyền nhiễm qua đường máu, gây nhiễm trùng tại chỗ. Nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng tới tính mạng.

Riêng đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc các phương pháp chữa bệnh nào cho trẻ, cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, việc quan trọng nhất cha mẹ nên làm là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trả giá đắt khi chữa bệnh phản khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.