Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng khi tự điều trị viêm da do kiến ba khoang

Thu Trang| 20/10/2022 16:23

(HNMO) - Cùng với số bệnh nhân đến khám do kiến ba khoang gia tăng thời gian gần đây, Bệnh viện Da liễu trung ương cũng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nặng do sai lầm trong việc tự điều trị.

Một bệnh nhân điều trị viêm da do kiến ba khoang tại Bệnh viện Da liễu trung ương.

Theo thống kê mới nhất của Bệnh viện Da liễu trung ương, trong 4 tháng liên tiếp gần đây, bệnh viện tiếp nhận khoảng 900 người bị viêm da kích ứng đến khám, trong đó gần 50% viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang. Đặc biệt, bệnh nhân đến khám vì kiến ba khoang gia tăng mạnh những ngày gần đây. 

Cụ thể, mỗi ngày tại đây tiếp nhận 5-6 bệnh nhân đến khám vì kiến ba khoang, thậm chí có ngày lên đến 10 bệnh nhân. Điều đáng nói, cùng với số bệnh nhân đến khám do kiến ba khoang gia tăng, bệnh viện này cũng ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nặng do sai lầm trong việc tự điều trị.

Bị bỏng rát vùng kín do tiếp xúc với kiến ba khoang, em L.T.V (19 tuổi, ở Hà Nội) đã tìm mua thuốc về tự điều trị nhưng không đỡ, thậm chí các tổn thương ngày càng nặng nề, gây lở loét, đau đớn. Sau đó, V đã đến Bệnh viện Da liễu trung ương để thăm khám và điều trị.

Tương tự, chị V.H.Y (36 tuổi, ở Hà Nội) đến bệnh viện khám trong tình trạng mắt sưng to, vùng da quanh mắt phải tổn thương, trợt loét… Cách đây 3 ngày, sau khi ngủ dậy, vùng mắt phải của chị Y bị sưng đỏ, đau rát. Chị đến một hiệu thuốc gần nhà và được nhân viên bán cho một tuýp thuốc bôi. Thế nhưng, sau một ngày bôi thuốc vẫn không đỡ, thậm chí vùng da quanh mắt trợt loét lan rộng, đau đớn, mắt sưng húp nên chị đã đến bệnh viện khám và được chẩn đoán viêm da nghiêm trọng do kiến ba khoang, phải nhập viện.

Lý giải nguyên nhân số bệnh nhân đến khám vì kiến ba khoang gia tăng trong thời gian gần đây, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, hiện đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang. Loài kiến này ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên thường bay vào nhà, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. 

“Khi vô tình tiếp xúc phải chất độc trong cơ thể của kiến, người bệnh sẽ bị tổn thương da. Trường hợp nhẹ thì chỉ gặp tổn thương khu trú ở một vùng da nhỏ. Tuy nhiên, với những trường hợp nặng, tổn thương lan rộng ra nhiều vùng da trên cơ thể; khu vực tổn thương cũng đau rát, lở loét nặng nề”, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy nói.

Các bác sĩ cũng lưu ý, có rất nhiều bệnh nhân không đến khám ở bệnh viện mà lại tự mua thuốc về uống và bôi. Thậm chí, nhiều người không nghĩ do tiếp xúc với kiến ba khoang mà lầm tưởng mắc bệnh Zona nên sử dụng thuốc Acyclovir để bôi và uống. Điều này vô tình làm cho tổn thương lan rộng hơn. 

Ngoài ra, một số bệnh nhân do ngứa ngáy, khó chịu cũng có thói quen cào gãi. Với bệnh do tiếp xúc với kiến ba khoang, chất dịch chảy ra tới đâu, vết thương lan rộng tới đó nên tổn thương càng trở nên nghiêm trọng hơn. 

Không chỉ vậy, theo bác sĩ Thùy, có một số trường hợp còn nghe theo lời đồn đã bắt kiến ba khoang vì tin loài côn trùng này có thể chữa được bệnh. Các bệnh nhân này chủ động đi bắt kiến ba khoang, nghiền ra rồi đắp vào vùng kín bị nhiễm nấm. Sau khi loét ở vùng sinh dục, tổn thương lan rộng ra cả vùng đùi khiến bệnh nhân đau đớn và phải nhập viện. Thậm chí, có bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết.

Chất độc trong kiến ba khoang rất mạnh, do đó bác sĩ Thùy khuyến cáo, người dân nên tránh tiếp xúc với loại côn trùng này. Tuyệt đối không nên dùng tay để bắt, giết kiến ba khoang. Trong trường hợp không may tiếp xúc với kiến ba khoang, cần rửa sạch da với xà phòng, nước muối hoặc cồn 70 độ, bôi thuốc mỡ làm dịu da rồi tới cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám, điều trị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng khi tự điều trị viêm da do kiến ba khoang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.