Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy giải ngân vốn ODA để tuyến metro số 1 vận hành cuối năm 2021

Nguyễn Lê – Gia Bảo| 29/06/2020 18:53

(HNMO) - Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cùng thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn ODA để Dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vận hành cuối năm 2021.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh khảo sát dự án metro số 1.

Chiều 29-6, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi làm việc với UBND thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại thành phố. 

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 9 dự án ODA, trong đó có 6 dự án nhóm A, 3 dự án nhóm B với tổng vốn đầu tư hơn 122.500 tỷ đồng. Về tình hình giải ngân 6 tháng đầu năm, vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương chỉ đạt 1.045 tỷ đồng, vốn ODA vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ chỉ đạt 555 tỷ đồng.

Việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân như: Một số dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện; dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) mới được phê duyệt điều chỉnh dự án; một số dự án đang chuẩn bị kế hoạch lựa chọn nhà thầu nên chưa giải ngân được; đại dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi là nguồn vốn rất quan trọng để góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết bài toán giao thông, ô nhiễm môi trường và tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Do đó, để giải ngân thuận lợi, UBND thành phố kiến nghị: Trung ương có kế hoạch bố trí vốn trung hạn và hằng năm sớm; chọn đồng yên (Nhật Bản) hay tiền đồng của Việt Nam (VND) trong thanh toán đối với dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); thẩm định hồ sơ cho vay lại của dự án metro số 1 để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung; thẩm định hồ sơ cho vay lại của dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Ngoài ra, thành phố cũng mong Trung ương sớm giải quyết vấn đề nhập cảnh của các chuyên gia nước ngoài để phục vụ các dự án, đặc biệt là dự án metro số 1.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, các cấp chính quyền thành phố rất quyết liệt trong công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn ODA. Năng lực giải ngân của thành phố không yếu kém nhưng nhiều vướng mắc mang tính chất khách quan khiến tiến độ giải ngân chậm.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ vốn ODA lớn nhất cả nước, do đó thúc đẩy giải ngân ODA của thành phố là thúc đẩy giải ngân ODA của cả nước. Chính phủ cùng các bộ, ngành sẽ tiếp tục tìm các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, trọng tâm là các dự án lớn để thúc đẩy giải ngân vốn ODA trong thời gian tới.

Về vấn đề chọn đồng yên hay VND để thanh toán, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hiệp định vay bằng đồng yên, sau này trả bằng đồng yên nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ thống nhất lại. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đề nghị thành phố Hồ Chí Minh chủ động rà soát hiệp định vay nào sắp hết hạn để gia hạn, nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục.

Riêng Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, nguồn vốn ODA phục vụ dự án này khả dụng để giải ngân trong năm 2020, bảo đảm đưa dự án vận hành vào cuối năm 2021 như dự kiến.

Trước đó, sáng 29-6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi thị sát một số hạng mục thuộc dự án đường sắt đô thị, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Thúc đẩy giải ngân vốn ODA để tuyến metro số 1 vận hành cuối năm 2021

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.