(HNM) - Trong quá khứ, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều phong trào, nhiều sáng kiến để lại dấu ấn lớn, tạo hiệu ứng xã hội tích cực...
Sáng tạo là truyền thống của thành phố
Hơn 36 năm trước (tháng 2-1982), từ sáng kiến của huyện Củ Chi và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, cụm từ "nhà tình nghĩa" đã ra đời. Lúc ấy, Công ty Sửa chữa nhà thuộc Sở Quản lý nhà đất thành phố đã xây tặng căn nhà tình nghĩa đầu tiên cho gia đình có vợ và chồng đều là thương binh 1/4 tại ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Từ đó đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, làm nền tảng cho phong trào đền ơn đáp nghĩa lan tỏa ra cả nước. Còn tại quận Thủ Đức, từ cuộc vận động "Vì người nghèo" (năm 2009) đến nay, quận đã xây dựng mới 122 căn nhà tình thương và sửa chữa chống dột 247 căn nhà trên địa bàn với số tiền gần 6,7 tỷ đồng...
TP Hồ Chí Minh không ngừng phát huy sức sáng tạo của người dân để phát triển thành phố. |
Có thể thấy, sự sáng tạo và phong trào đền ơn đáp nghĩa, chính sách an sinh xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh không dừng lại ở lời kêu gọi mà thực tế đã tạo ra giá trị vật chất lẫn tinh thần cho đông đảo gia đình chính sách và gia đình nghèo. Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành tựu lớn nhất sau 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là chuyển đường lối kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ sự năng động sáng tạo của TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành Nam Bộ. Riêng TP Hồ Chí Minh, truyền thống năng động sáng tạo đã trở thành thuộc tính.
GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội đồng khoa học TP Hồ Chí Minh cho rằng, truyền thống sáng tạo đã thấm vào "máu" người dân thành phố, từ lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường. Những bữa cơm từ thiện miễn phí tại các bệnh viện, thùng trà đá miễn phí đặt bên lề đường... cũng xuất phát từ cách làm sáng tạo nhằm giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà tất cả các lĩnh vực, thành phố luôn có cách làm sáng tạo. Đơn cử, trong công tác chỉnh trang và phát triển đô thị, bằng cách làm đột phá, thành phố đã di dời hàng chục nghìn căn nhà trên và ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trả lại dòng kênh xanh. Trong cải cách hành chính, thành phố mạnh dạn áp dụng mô hình "một cửa", "một cửa liên thông", "một cửa điện tử"...
Chính quyền phải là “bà đỡ” cho sáng tạo
Trong tình hình mới hiện nay, trước sức ép dân số cơ học tăng cao, đô thị hóa phát triển quá nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước..., TP Hồ Chí Minh đứng trước không ít khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế gắn với cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, với góc nhìn của người từng làm công tác lãnh đạo thành phố, bà Phạm Phương Thảo cho rằng, khó khăn lớn nhất của TP Hồ Chí Minh vẫn là những ràng buộc về cơ chế và năng lực quản lý điều hành. Hiện thành phố vẫn chưa được phân cấp, phân quyền mạnh. Điển hình là dự án đường sắt đô thị - tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - có nguy cơ bị chậm do thành phố không được tự quyết về cơ chế phân bổ vốn. Qua đó, bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, muốn thành phố phát huy hiệu quả tính sáng tạo thì trước tiên phải "mở" được cơ chế.
Trong khi đó, GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Ngọc Giao đề xuất: Trước tiên phải duy trì được truyền thống sáng tạo của thành phố từ nhiều năm qua; đồng thời thông qua việc cầu thị, lắng nghe và trao đổi để phát huy truyền thống này bằng cách khai thác tài nguyên tri thức rất phong phú trong các tầng lớp nhân dân; có chính sách thông thoáng, phù hợp để nhân tài khắp nơi tự đến, cùng đóng góp xây dựng phát triển thành phố.
Theo GS.TS Võ Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), từ sự thành công của Singapore, TP Hồ Chí Minh có thể rút ra những bài học: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; không ngừng nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, xây dựng một nền quản trị năng động; có cơ chế, chính sách thúc đẩy các nghiên cứu khoa học công nghệ gắn liền với đời sống; quy hoạch hạ tầng đô thị gắn với liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...
Tại hội thảo khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển thành phố diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh hơn, có tính đột phá thì vốn quý nhất chính là con người, cần khơi dậy sức sáng tạo của mỗi người dân thành phố. Từ con người sáng tạo mới xây dựng được chính quyền sáng tạo, thúc đẩy cả thành phố sáng tạo. "Để làm được điều này, trách nhiệm của các cấp chính quyền phải là "bà đỡ" cho sáng tạo. Làm sao để những người sáng tạo phải có cuộc sống tốt hơn mới kích thích được sáng tạo", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.