Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Dự án Vành đai 3 sẽ có đủ mặt bằng trong tháng 6-2023

An Tôn| 26/05/2023 10:28

(HNMO) - Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến thời hạn thành phố Hồ Chí Minh bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng cho các đơn vị thi công khởi công xây dựng dự án đường Vành đai 3. Với nhiều cách làm quyết liệt, thành phố đã cơ bản hoàn thành phần việc tưởng chừng khó khăn nhất này, đạt tỷ lệ bàn giao chung 63,09%.

Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 3 vùng thành phố Hồ Chí Minh.

Các huyện đạt tỷ lệ cao

Đường Vành đai 3 đi qua 4 xã của huyện Hóc Môn, gồm: Tân Hiệp, Tân Thới Nhì, Xuân Thới Sơn và Xuân Thới Thượng. Diện tích đất để thực hiện dự án là 988.921,6m2, ảnh hưởng 320 hộ dân và 12 tổ chức. Tính đến ngày 25-5, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn đã chi trả tiền bồi thường cho 208 trường hợp với số tiền gần 1.007 tỷ đồng. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt gần 89%.

Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Trần Văn Thắng cho biết, để có được kết quả này, hệ thống chính trị của địa phương và mỗi người dân đã có nhiều nỗ lực. “Việc đa số người dân đồng thuận là do thành phố và địa phương đã có chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp; thông tin kịp thời, giải quyết nhanh chóng các nhu cầu nhà đất cho người trong vùng dự án. Các cấp chính quyền và tổ chức xã hội tích cực vận động bằng nhiều biện pháp phù hợp với những hộ dân còn băn khoăn; kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh mới”, ông Thắng nói. 

Mọi ý kiến người dân đều được chính quyền huyện Hóc Môn ghi nhận, giải quyết.

Trong số các huyện có đường Vành đai 3 đi qua, Củ Chi đang là địa phương có tỷ lệ bàn giao mặt bằng thấp nhất, nhưng cũng đã đạt hơn 58% trong tổng số hơn 65,2ha đất phải thu hồi (xếp sau huyện Bình Chánh, đã bàn giao hơn 73% trong tổng số gần 146ha đất phải thu hồi).

Để đẩy nhanh tiến độ thu hồi giải phóng mặt bằng, huyện đã thành lập 4 tổ công tác, gồm các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, các đoàn thể, phòng ban chuyên môn huyện, lãnh đạo các xã liên quan tiếp tục trực tiếp gặp gỡ để lắng nghe, giải trình, cùng tham gia thảo luận tháo gỡ những ý kiến còn băn khoăn của hộ dân ảnh hưởng. 

Qua tuyên truyền, giải đáp tắc mắc, nhiều hộ dân đã hiểu và đồng thuận nhận tiền đền bù và bàn giao đất. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Đức (ấp 10, xã Tân Thạnh Đông), được cán bộ đến tận nhà vận động, ông và gia đình đã đồng thuận bàn giao 2.337m2 đất trồng lúa, nhận đền bù hơn 5,1 tỷ đồng, giao đất cho chính quyền để sớm triển khai dự án quan trọng của quốc gia. 

Cán bộ huyện Củ Chi xuống tận nhà dân hướng dẫn, giải thích chủ trương dự án đường Vành đai 3.

Cùng với việc khẩn trương giải tỏa, thu hồi đất phục vụ dự án đường Vành đai 3, các cấp, các ngành huyện Củ Chi đã ban hành và đang triển khai phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm (giai đoạn 1) với 155/408 hộ dân ảnh hưởng của dự án tại các xã Bình Mỹ và Tân Thạnh Đông, giúp bà con chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm, tạo ra thu nhập mới, nâng cao thu nhập, sớm ổn định cuộc sống.

Thủ Đức tăng tốc

Thành phố Thủ Đức là địa phương còn lại của thành phố Hồ Chí Minh có dự án đường Vành đai 3 đi qua. Thành phố phải thu hồi gần 99,9ha đất phục vụ dự án và có số hộ dân, đơn vị bị ảnh hưởng nhiều nhất thành phố Hồ Chí Minh (556 trường hợp). Tính đến hết ngày 25-5, thành phố Thủ Đức đã bàn giao được hơn 31% diện tích cần thu hồi. 

Công việc này gặp nhiều khó khăn, do dự án đường Vành đai 3 đi qua nhiều khu dân cư đông đúc của thành phố. Ngoài phần đất do Nhà nước quản lý (gần 15ha), hiện mới có 83 trường hợp tại thành phố Thủ Đức bàn giao mặt bằng. Lượng công việc trong một tháng tới của các cấp, các ngành thành phố Thủ Đức là rất lớn, áp lực cao.

Để đẩy nhanh tiến độ công việc, UBND thành phố Thủ Đức đã biệt phái 7 cán bộ xuống các phường có dự án đường Vành đai 3 đi qua để hỗ trợ các công việc từ tuyên truyền, vận động người dân đến giải quyết các vấn đề phát sinh, giải đáp các thắc mắc của người dân, tổ chức trong vùng ảnh hưởng của dự án. Chi đoàn Ban Giải phóng mặt bằng của thành phố cũng tăng cường lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ công tác chi trả tiền đền bù đến tận tay người dân.

Đoàn viên, thanh niên Ban Giải phóng mặt bằng thành phố Thủ Đức hỗ trợ người dân hoàn thành thủ tục nhận đền bù.

Theo kế hoạch, ngay trong tháng 5-2023, thành phố Thủ Đức sẽ phải hoàn tất việc đền bù, thu hồi 268 hồ sơ đất nông nghiệp và hơn 30 trường hợp đất ở với tổng diện tích chiếm hơn 50% diện tích đất phải thu hồi. Hơn 20% diện tích đất còn lại sẽ được thành phố tiếp nhận trong tháng 6-2023 để kịp bàn giao cho đơn vị thi công.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Nguyễn Hữu Anh Tứ cho biết: “Khó khăn nhất là công tác thu hồi đất ở, vì còn phải thống nhất phương án tái định cư với những trường hợp đủ điều kiện bố trí. Thành phố đã chuẩn bị sẵn các phương án đất ở và chung cư để thống nhất với người dân. Hiện phần lớn người dân đã đồng thuận, chờ thực hiện. Trong giai đoạn 2, việc thu hồi mặt bằng sẽ thuận lợi hơn vì có nhiều đất công”. 

Theo UBND thành phố Thủ Đức, thành phố còn tặng bản vẽ trong hồ sơ của người dân xin xây nhà mới, sửa nhà cũ; hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc đến nơi ở mới. Các cấp, các ngành của thành phố Thủ Đức phấn đấu bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng dự án trong tháng 6-2023 như đã cam kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Dự án Vành đai 3 sẽ có đủ mặt bằng trong tháng 6-2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.