(HNMO) – Sau nhiều năm tranh cãi với việc quảng cáo trên xe buýt, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định duyệt đề án “Thí điểm quảng cáo trên phương tiện giao thông (xe buýt) trên địa bàn thành phố”. Thời gian thực hiện thí điểm 1 năm, kể từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành.
TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai quảng cáo trên xe buýt. |
Thực hiện thí điểm trên 10 tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá, tương ứng 3 nhóm xe (B40, B55-B60 và B80), cụ thể: Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn (MS:1); Bến Thành - Đầm Sen (11); Công viên 23/9 - Âu Cơ - Bến xe An Sương (27); Công viên 23/9 - Chợ Xuân Thới Thượng (28); Khu dân cư Tân Quy – Khu dân cư Bình lợi (31); Bến Thành - Thới An (36); Bến Thành - Võ Văn Kiệt - Bến xe Miền Tây (39); Bến xe Quận 8 - Bến Thành - Bến xe Miền Đông (45); Công viên 23/9 - Khu công nghiệp Tân Bình (69) và Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng (86).
Sản phẩm quảng cáo thể hiện trên bề mặt của 2 bên vỏ thân xe buýt kể cả phần cửa xe và phần kính xe (trừ phần vị trí sử dụng để thông tin nhận diện xe buýt, không thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của xe buýt). Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi bề mặt của vỏ thân xe buýt.
Chất liệu decal quảng cáo phải đảm bảo chất lượng về độ bền, không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, bồi dán không bị nhăn, không ảnh hưởng đến chất lượng của thành xe và mặt kính của xe buýt; phải đảm bảo có thể nhìn xuyên được qua kính xe, không che khuất tầm quan sát của hành khách ở bên trong xe buýt; không gây ảnh hưởng đến hành khách khi phá hủy kính xe buýt, đảm bảo khả năng thoát hiểm, không gây mất an toàn cho hành khách trong trường hợp có sự cố xảy ra.
Quảng cáo có màu sắc và chất liệu phù hợp với màu của thân xe buýt, các màu sắc chủ đạo (màu nền) không trùng lắp với các hệ thống biển báo giao thông và hạn chế màu đỏ. Quảng cáo không phát sáng, không sử dụng đèn hoặc các chất liệu phát sáng khác.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc quảng cáo trên xe buýt nhằm khai thác không gian bên ngoài thân xe buýt, qua đó góp phần tăng nguồn thu, giảm bớt kinh phí trợ giá cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ ngân sách thành phố. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các mặt hàng, sản phẩm chất lượng cao được sản xuất trong nước.
Mặt khác, từng bước thay đổi diện mạo mới cho hệ thống xe buýt thành phố; nâng cao hình ảnh xe buýt: văn minh, hiện đại, tiện dụng, an toàn… Trước mắt, nâng cao khả năng nhận biết, tiếp cận sử dụng của người dân thành phố trong việc hưởng ứng tham gia đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố có liên quan tổ chức thực hiện thí điểm đề án nêu trên. Đồng thời, tổ chức phân tích, đánh giá kết quả thực hiện từ thực tiễn, các ý kiến góp ý và phản biện của người dân trong thời gian thực hiện thí điểm để đề xuất, trình UBND TP xem xét điều chỉnh, hoàn thiện đề án, tiến tới triển khai mở rộng trên tất cả các tuyến xe buýt còn lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.