Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Chăm lo đời sống tinh thần cho người dân đón Tết

Tuệ Diễm| 14/12/2016 06:55

(HNM) - UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tổ chức các điểm vui chơi, giải trí công cộng phục vụ Tết Nguyên đán 2017. Năm nay, các công trình như đường sách, đường hoa, hội chợ hoa xuân đều có nhiều điểm mới, hấp dẫn hơn góp phần tạo không khí vui xuân an lành, hạnh phúc cho người dân và du khách.

Rộn ràng đường sách, đường hoa

Đường hoa xuân và Đường sách xuân là hai "đặc sản" của TP Hồ Chí Minh được người dân và du khách trông đợi nhất mỗi dịp Tết đến xuân về. Năm nay, từ ngày 25-1 đến 31-1-2017, tức 28 tháng Chạp đến hết mùng 4 Tết, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ hội Đường sách xuân trên trục đường Mạc Thị Bưởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế, lấy chủ đề “Thành phố mang tên Bác - Khát vọng ngời sáng”. Đường sách năm nay có điểm nhấn là trưng bày, triển lãm sách cũ, quý hiếm, báo xưa từ trước năm 1975, thư pháp viết bằng chữ Nôm về các bài thơ chúc Tết của Bác Hồ. Dọc những con đường sẽ giới thiệu hình ảnh, tư liệu quý, bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa. Tại Đường sách, sẽ có nghệ thuật sắp đặt sách hình bản đồ Việt Nam để tạo dấu ấn cho người xem và chụp hình cùng công trình này.

Phối cảnh Đường hoa xuân Nguyễn Huệ 2017.



Năm nay, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tiếp tục được UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức thực hiện Đường hoa Tết Đinh Dậu 2017 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đường hoa xuân bắt đầu từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết, trải dài từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Tôn Đức Thắng, chia làm làm ba phân đoạn mang ba chủ đề chính: Mùa xuân trên thành phố mang tên Bác, Thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình và Khát vọng ngời sáng.

Đại diện Saigontourist cho biết, biểu tượng linh vật gia đình gà đặt ở vị trí trung tâm, được thiết kế thành nhiều hình dáng vui tươi, mang đến thông điệp thuận lợi và thịnh vượng, một mùa xuân viên mãn, tròn đầy cho toàn thể người dân. Xuyên suốt đường hoa, khách tham quan sẽ thường xuyên bắt gặp linh vật của năm với muôn hình dáng vẻ từ gà tre, gà rơm, gà đạp xe, gà vui nhộn, gà phát sáng, gà cao nguyên... Một điểm rất mới là Ban Tổ chức lần đầu tiên ứng dụng công nghệ phần mềm chụp hình ảo tại một số điểm thuộc đường hoa như cổng đường hoa, cây xuân... Ứng dụng này có thể sử dụng đồng thời online và offline thích hợp cho các điện thoại thông minh (smart phone). Khách tham quan sẽ thấy được hình ảnh đồ họa 3D khi quét smart phone vào đúng biểu tượng được bố trí tại những điểm chụp hình ảo trên.

Còn Hội hoa xuân năm nay được tổ chức tại 2 điểm, gồm: Công trường quốc tế và Công viên Tao Đàn từ ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày mùng 6 Tết. Thành phố cũng sẽ có 3 chợ hoa Tết phục vụ nhu cầu mua sắm hoa, cây kiểng cho người dân tại Công viên 23-9, Công viên Gia Định, Công viên Lê Văn Tám. Các quận, huyện còn lại sẽ tổ chức tổng cộng 110 điểm chợ hoa Tết. Đặc biệt, tại quận 7 và quận 8 với điều kiện đặc thù của vùng sông nước mang đậm dấu ấn “trên bến dưới thuyền” sẽ là nơi tổ chức chợ hoa Tết tập trung dọc bờ kè Trần Xuân Soạn, bến Bình Đông. Các chợ hoa sẽ diễn ra đồng loạt từ ngày 23 tháng Chạp (tức 20-1-2017) đến 12h trưa ngày 30 tháng Chạp. Điểm chợ hoa tại quận 7, quận 8 và chợ đầu mối nông sản Bình Điền sẽ được tổ chức sớm, từ ngày 15 tháng Chạp để phục vụ người dân.

Tăng điểm bắn pháo hoa

Khác với năm 2016 TP Hồ Chí Minh chỉ tổ chức 2 điểm bắn pháo hoa chào đón năm mới trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Dịp Tết này, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức bắn pháo hoa 2 điểm mừng Tết Dương lịch và 7 điểm trong đêm Giao thừa Tết Đinh Dậu 2017.

Cụ thể, Tết Dương lịch 2017, thành phố tổ chức bắn pháo hoa tại 2 điểm, gồm: Bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu Đường hầm vượt sông Sài Gòn (quận 2) và điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, quận 11. Thời gian, thời điểm bắn pháo hoa là 15 phút, từ 0h đến 0h15 ngày 1-1-2017. Trong đêm Giao thừa Tết Đinh Dậu, ngoài 2 điểm trên, TP Hồ Chí Minh sẽ bắn pháo hoa tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (quận 9), Khu địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi), Khu di tích lịch sử Láng Le - Bầu Cò (huyện Bình Chánh), Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn). Trước giờ bắn pháo hoa, phòng văn hóa các quận, huyện sẽ có trách nhiệm tổ chức biểu diễn văn nghệ mừng năm mới để phục vụ người dân đến xem.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, kinh phí bắn pháo hoa trong hai dịp trên do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố chịu trách nhiệm vận động xã hội hóa. Riêng đối với các điểm tại các quận, huyện, nguồn kinh phí thực hiện từ vận động xã hội hóa của chính các địa phương. Theo cơ quan chức năng, nhiều điểm bắn pháo hoa ở xa trung tâm sẽ giúp người dân ngoại thành có thêm cơ hội được thưởng thức màn trình diễn này, góp phần bảo đảm an toàn về giao thông, giảm tình trạng kẹt xe trong đêm Giao thừa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Chăm lo đời sống tinh thần cho người dân đón Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.