(HNM) - Giờ này TP HCM vẫn đang băn khoăn về việc dừng hay bỏ các trạm thu phí để tránh tình trạng phí chồng phí.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội vẫn tiếp tục thu phí hoàn vốn cho các dự án giao thông liên quan. |
Cần dừng thu trạm nào?
Hiện TP có 8 trạm thu phí của dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) gồm An Sương - An Lạc, Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Triệu 2, cầu Phú Mỹ và hầm Thủ Thiêm. Trong đó, 2 trạm thu là cầu Bình Triệu 1 và hầm Thủ Thiêm, dự kiến sẽ hoạt động trong thời gian tới. Dù áp dụng thu phí Quỹ Bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện từ đầu năm 2013 nhưng đến nay các sở, ngành liên quan của TP vẫn đang băn khoăn chưa thống nhất việc giữ hay không giữ lại trạm thu phí nhằm tránh tình trạng "phí chồng phí" theo chỉ đạo của UBND TP.
Theo Thạc sỹ Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường ĐH GTVT TP, các dự án BOT ở nước ta đều có mức đầu tư cao, chất lượng lại kém, lượng xe lưu hành thấp, do đó nhà đầu tư luôn đề xuất mức thu phí cao hơn thực tế. Để giải quyết vướng mắc, TP nên mua lại các trạm thu phí gần và đã hoàn vốn rồi xóa bỏ. Xét yếu tố này, hiện trên địa bàn TP có 3 trạm cần dừng thu phí. Đó là trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh (quận 7). Trạm này thu phí nhằm để duy tu, bảo dưỡng tuyến đường Nguyễn Văn Linh, nên khi áp dụng Quỹ Bảo trì đường bộ nếu để lại sẽ dẫn tới tình trạng phí chồng phí. Tiếp nữa là trạm thu đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân). Năm 2002, TP đã chuyển nhượng quyền thu phí hoàn vốn đường Điện Biên Phủ và đường Kinh Dương Vương trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII). Năm 2013, CII có thể thu phí hoàn vốn cho khoản chuyển nhượng này, vì thế, TP nên xóa bỏ. Cuối cùng là trạm thu phí BOT cầu Phú Mỹ (nối quận 2 và 7). Trạm này đã thu gần 3 năm nay nhưng nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) luôn kêu lỗ và muốn trả lại cầu Phú Mỹ cho TP, trong khi TP đã phải ứng 700 tỷ đồng để PMC trả nợ và thanh toán cho đơn vị thi công đường dẫn. Do đó, theo ông Sanh, TP cần mua lại dự án và dừng thu phí để tránh tình trạng trả nợ lâu dài cho nhà đầu tư.
Đồng quan điểm xóa bỏ trạm thu phí của một số dự án BOT, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam phân tích, những dự án BOT do Nhà nước phê duyệt, Nhà nước cũng phải đầu tư một phần chứ không thể bắt dân trả hoàn toàn. Như thế, hiệu quả con đường bị hạn chế vì làm cho giá cả hàng hóa tăng, đời sống nhân dân khó khăn hơn, dẫn tới sức mua và sản xuất giảm, dẫn tới mâu thuẫn "kích cầu".
Để lại trạm thu phí nào?
Trước cuộc họp sắp tới của HĐND TP bàn về việc thu phí đối với cầu Bình Triệu 1 (hướng quận Bình Thạnh đi Thủ Đức), theo ông Dương Quang Châu, Giám đốc đầu tư CII (chủ đầu tư), việc thu phí cầu Bình Triệu 1 nhằm hoàn vốn cho dự án cầu đường Bình Triệu 2 (phần 1, giai đoạn 2). Trong hợp đồng BOT ký với TP có điều kiện, sau khi CII đầu tư xây cầu Bình Triệu 2 và sửa chữa, nâng cấp xong cầu Bình Triệu 1 (tổng cộng khoảng 230 tỷ đồng), sẽ được phép thu phí cầu Bình Triệu 1 để hoàn vốn. Mặt khác cuối tháng 7-2012, TP đã cho phép CII thu phí thử nghiệm cầu Bình Triệu 1 và kết quả không gây ùn tắc kẹt xe tại điểm nóng giao thông này. Do đó, TP cũng cần cân nhắc để đưa trạm này vào hoạt động trong thời gian tới.
Đối với trạm thu phí xa lộ Hà Nội, trạm cửa ngõ phía đông quan trọng bậc nhất của TP, nhiều quan điểm cho rằng cần xóa luôn bởi mục đích hoàn vốn đường Điện Biên Phủ cũng đã xong. Theo phân tích của Thạc sỹ Phạm Sanh, về lý thuyết cũng có thể dừng thu. Tuy nhiên, tại trạm này lại liên quan đến dự án cầu Rạch Chiếc (nối quận 2 và quận 9, đã hoàn thiện) và dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (đang xây dựng). Với dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc, CII đã đứng ra ứng trên 1.000 tỷ đồng để xây dựng, đổi lại là quyền thu phí tại trạm này. Tương tự, với dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đang thực hiện với tổng vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014 cũng thu hoàn vốn tại trạm này nên chưa xóa bỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.