(HNM) - Kết thúc cuộc tổng tuyển cử năm 2015, đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long giành chiến thắng với tỷ lệ 69,86% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử ngày 11-9.
Như vậy, bất chấp những dự đoán trước đó cho rằng đảng này sẽ gặp nhiều thách thức do các đảng đối lập đang mạnh lên, PAP đã giành 83 trong tổng số 89 ghế trong Quốc hội, đồng nghĩa với việc sẽ có quyền quyết định thành lập chính phủ mới.
Thủ tướng Singapore, Chủ tịch đảng PAP Lý Hiển Long ăn mừng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lịch sử. |
Đây là thắng lợi lớn nhất của PAP trước 8 đảng đối lập tại đảo quốc Sư tử trong 5 thập niên từ khi giành độc lập. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với ông Lý Hiển Long sau sự ra đi của cha ông - nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu vào tháng 3 năm nay và đây là lần đầu tiên từ khi tuyên bố độc lập năm 1965, Singapore thiếu vắng nhà lập quốc đáng kính.
Dù kết quả trên không hoàn toàn bất ngờ với PAP, nhưng đây là thắng lợi quan trọng đối với Thủ tướng Lý Hiển Long vì trước đó nhiều nhà phân tích cho rằng uy tín của chính đảng này đang đi xuống vì tăng trưởng kinh tế đảo quốc đã chậm lại. Năm 2011, PAP chỉ nhận được 60,1% phiếu bầu, mức thấp kỷ lục trong suốt 50 năm qua. Do vậy, việc PAP nhận được nhiều phiếu bầu hơn dự đoán trước đó, đã phản ánh sự tín nhiệm của cử tri đối với cách thức điều hành đất nước thông qua những chính sách của chính phủ.
Với đảo quốc Sư tử, cuộc tổng tuyển cử lần thứ 17, được đánh giá là mang tính lịch sử trong vòng nửa thế kỷ qua. Đây là lần đầu tiên toàn bộ 89 ghế nghị sĩ trong Quốc hội khóa mới có sự cạnh tranh giữa các đảng. Cũng là lần đầu tiên Singapore có số lượng cử tri đông kỷ lục, lên đến 2,5 triệu người.
Có thể nói sự đa dạng hóa của các ứng cử viên năm nay, từ những nhà hoạt động cộng đồng thâm niên đến các chủ doanh nghiệp đã phản ánh một chính thể trưởng thành của Singapore, đồng thời cho thấy nhận thức cũng như sự quan tâm cao hơn của người dân trong việc góp phần xây dựng đất nước.
Nhiều cử tri trẻ - những người không chứng kiến quá trình Singapore từ một đảo quốc nghèo khó trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới hiện nay - lần đầu tiên đi bỏ phiếu và là yếu tố quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay. Mối quan tâm của thanh niên Singapore là các vấn đề thiết thực gắn với cuộc sống.
Kinh tế Singapore nhìn chung vẫn giữ được phong độ nhưng gần đây, nhịp độ tăng trưởng có phần suy giảm. Do vậy, duy trì việc làm ổn định và tạo thêm nhiều cơ hội làm việc mới là ưu tiên của những cử tri trẻ. Trong bối cảnh nền kinh tế Singapore tăng trưởng chậm lại thì vấn đề công ăn việc làm cho hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm đang là một thách thức đối với đảng cầm quyền của Thủ tướng Lý Hiển Long. Chuyện nhà ở và phúc lợi xã hội là mối quan tâm tiếp theo, đặc biệt với những người có ý định lập gia đình hoặc mua nhà. Hiện tại, điều kiện để người trẻ ở Singapore sở hữu một căn nhà, chăm sóc con… tương đối khó khăn.
Bên cạnh đó, chính sách nhập cư và giao thông công cộng cũng là băn khoăn của người dân Singapore. Rất nhiều người bản địa cho rằng quốc đảo này đang trở nên quá chật chội vì người nhập cư, từ đó kéo theo các sức ép về cơ sở hạ tầng và xã hội. Do vậy, PAP áp dụng biện pháp gián tiếp là đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm sự quá tải của hệ thống giao thông công cộng. Các cách làm này ít nhiều đã có kết quả. Và để trấn an dư luận, PAP đã có những biện pháp thắt chặt hơn nữa vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, về dài hạn, Singapore vẫn rất cần nguồn lực lao động này. Do tỷ lệ sinh ở quốc đảo này thấp khiến tổng dân số có xu hướng giảm. Vì vậy, Singapore một mặt vẫn sẽ thắt chặt lao động nước ngoài phổ thông, đồng thời duy trì chính sách nhập khẩu lao động về lâu dài.
Đảng PAP cầm quyền đã giành chiến thắng và thành lập chính phủ mới. Điểm đặc biệt của cuộc bầu cử này là sẽ định hình đường hướng phát triển tương lai của Singapore trong bối cảnh mới. Nói cách khác, cuộc bầu cử năm nay còn có ý nghĩa như một cuộc trưng cầu dân ý về phương hướng phát triển đất nước Singapore ở kỷ nguyên hậu Lý Quang Diệu, về những chuẩn mực mà người dân trông đợi ở thế hệ lãnh đạo tương lai và mong muốn giữ gìn, phát huy những thành quả mà thế hệ tiền bối đã đạt được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.