Người đứng đầu Chính phủ Pháp hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức dự kiến bắt đầu từ ngày 2-7.
Quyết định trên được đưa ra do tình trạng bạo loạn tại Pháp đã kéo dài nhiều ngày, sau vụ việc cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi khi đang dừng chờ đèn đỏ.
Các cuộc bạo loạn đã lan ra nhiều thành phố tại Pháp được đánh giá là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với Tổng thống Emmanuel Macron trong thời kỳ lãnh đạo quốc gia này.
Đây cũng là lần thứ hai trong năm 2023, tình trạng bất ổn ở Pháp đã buộc Tổng thống Macron phải hoãn các cuộc gặp cấp cao với nguyên thủ quốc gia. Hồi tháng 3, cuộc gặp giữa người đứng đầu Chính phủ Pháp với Vua Charles (Anh) đã bị hủy do các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu lan rộng.
Theo hãng tin Reuters, ngày 1-7, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo cho người đồng cấp về tình hình trong nước và đề nghị hoãn chuyến thăm cấp nhà nước.
Việc chuyến thăm Đức cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Pháp sau 23 năm bị hoãn đã nêu bật những tác động của tình trạng bất ổn tại quốc gia này đối với mục tiêu thực hiện các chính sách đối ngoại của ông chủ Điện Elysee.
Trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron cũng quyết định rời Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels (Bỉ) sớm hơn dự kiến để về nước tham dự một cuộc họp an ninh liên quan đến bạo loạn.
Ngày 27-6, Nahel M bị cảnh sát Pháp bắn chết khi đang dừng chờ đèn đỏ. Nguyên nhân vụ việc được cho là do thiếu niên 17 tuổi đã không tuân thủ yêu cầu của lực lượng chức năng.
Sau vụ việc, nhiều cuộc bạo loạn nghiêm trọng đã nổ ra và kéo dài suốt nhiều ngày. Theo New York Times, hơn 1.300 người đã bị bắt trong bối cảnh hỗn loạn tiếp tục bao trùm các thành phố lớn như Marseille và Lyon. Hàng trăm xe hơi đã bị đốt cháy, các tòa nhà bị hư hại và các cửa hàng ở một số thành phố đã bị cướp phá kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra.
Trước làn sóng bạo lực bùng phát, nhà chức trách Pháp đã nỗ lực ngăn chặn, tăng cường sự hiện diện của lực lượng cảnh sát và đóng cửa các dịch vụ giao thông công cộng vào đêm khuya. Một số thành phố cũng đã bắt đầu thi hành lệnh giới nghiêm qua đêm.
Hơn 45.000 sĩ quan, cùng xe bọc thép và các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm đã được huy động vào tối 30-6 để trấn áp bạo loạn. Cảnh sát báo cáo đã bắt giữ 1.311 người trong các vụ bạo loạn khiến 79 sĩ quan bị thương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.